Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh, Đắk Lắk, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Gia Lai, Hà Nội,…
Về thông tin liên quan đến việc ăn hoa qua, sử dụng thuốc ho siro làm tăng nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT cho biết, đối với việc sử dụng hoa quả hoặc uống siro, Cục CSGT đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu test đều cho ra kết quả không làm tăng nồng độ cồn.
Theo đó, nếu đo nồng độ cồn ngay sau khi ăn hoa quả hoặc uống siro, kết quả có thể cho lên tới 0,6 mg/lít khí thở, thậm chí trên 1 mg/lít khí thở. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 đến 5 phút, nồng độ cồn sẽ không còn.
Về băn khoăn của người dân liên quan đến độ chính xác của máy đo nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT thông tin thêm, không có sai số trong việc đo nồng độ cồn. Các máy đo nồng độ cồn đều được kiểm định hàng năm.
Máy đo nồng độ cồn trong hơi thở là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác của lực lượng CSGT thuộc danh mục kiểm định theo quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các thiết bị đưa ra kiểm tra đều được kiểm định chính xác.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng CSGT.
Nhấn mạnh điều này, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT, khẳng định không có chuyện ăn hoa quả hay uống siro mà bị xử phạt. Cục CSGT đã quán triệt tới các đơn vị chức năng nếu tài xế trình bày mình vừa ăn hoa quả hoặc uống siro thì sẽ cho họ uống nước hoặc 5 phút sau thổi lại. Nếu kết quả thông báo không có nồng độ cồn thì không xử lý, ngược lại nếu chính xác có nồng độ cồn thì phải xử lý theo quy định.
Đối với một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cũng khẳng định ngành công an nói chung và CSGT nói riêng có nhiều biện pháp phòng ngừa chống tham nhũng. Trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay, giám sát CSGT làm nhiệm vụ. Hơn nữa, đối với kiểm tra nồng độ cồn, đều có tổ công tác đủ lực lượng và hoạt động này được camera quay lại nên khó có thể xảy ra tiêu cực.