Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Triển lãm quy tụ 105 tác phẩm của 20 tác giả các tỉnh miền Nam, giới thiệu con người, những sinh hoạt thường nhật, sinh hoạt văn hoá, các di sản và cảnh sắc quê hương. Trên chất liệu màu nước, bằng cách thể hiện tinh tế, những tác phẩm tại triển lãm đã thể hiện một cách sinh động góc nhìn đa chiều của các tác giả về mảnh đất nơi mình gắn bó. Qua đó, công chúng cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, con người của các hoạ sĩ đầy tài năng.
Tham gia trưng bày tác phẩm tại triển lãm, hoạ sĩ Hồ Hưng bày tỏ: Đây là lần đầu tiên các hoạ sĩ màu nước ở phía Nam có buổi triển lãm tại Văn Miếu - Quốc Từ Giám. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm chỉ là lát cắt nhỏ trong quá trình sáng tác tranh màu nước của các hoạ sĩ. Thông qua triển lãm chủ đề phương Nam, các hoạ sĩ muốn gửi một món quà mang nhiều tình cảm đến công chúng yêu nghệ thuật Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hoạ sĩ Hồ Hưng cũng cho rằng, triển lãm là sự khởi đầu để trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa giới thiệu tranh màu nước đến với đông đảo công chúng.
Ban Tổ chức trao quà lưu niệm cho các tác giả tham gia triển lãm
Dung dị, chân thực, họa sĩ Hồ Hưng đã mang đến cho người xem sự bình dị của một con xuồng nằm trên một dòng kênh trong tác phẩm “Con nước xuống” hay một ráng chiều khuất núi trong tác phẩm “Ngày muộn”. Còn họa sĩ Đoàn Quốc mang đến một Sài Gòn hối hả trong tác phẩm “Nắng Sài Gòn”, “Sài Gòn đêm xuống”. Họa sĩ Hồng Quân mang lại những cảm xúc bất chợt, từ một góc sông tĩnh lặng với màu nước xanh biếc cùng vài cái lốp cũ, que gỗ phía trên trong tác phẩm “Màu xanh ngọc dưới chân cầu tàu” đến sự thâm trầm, trang nghiêm của một nhà thờ cổ trong tác phẩm “Nhà thờ gỗ Kontum”. Còn họa sĩ Đỗ Hiếu thiên về các góc độ sông nước ở tác phẩm “Bến đò kênh Nghé”, “Chiều Nhơn Trạch”, “Dòng kênh Thanh Đa”…
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu: Thông qua triển lãm này, Trung tâm muốn kết nối sáng tạo của các hoạ sĩ miền Nam với công chúng Hà Nội. Đây cũng là sự kết hợp giữa một di sản cổ kính Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những sáng tạo mang yếu tố đương đại, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Thông qua đó, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng bước đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo của Thủ đô.
Triển lãm diễn ra tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến hết ngày 24/5.
Dưới đây là một số hình ảnh tại khai mạc triển lãm:
Đông đảo công chúng tới tham quan triển lãm
Khách du lịch tham quan triển lãm
Một góc trưng bày các tác phẩm
Quỳnh Anh - HNP