Đồng Nai là một địa phương có nhiều thế mạnh về đặc sản như cây ăn trái, thực phẩm, và nhiều loại nông sản.
Đặc sản
Đồng Nai là một địa phương có nhiều thế mạnh về đặc sản như cây ăn trái, thực phẩm, và nhiều loại nông sản khác vì vậy thời gian qua tỉnh này đã có nhiều phương án để đưa các sản phẩm lên một tầm cao mới.
Thời gian qua, Đồng Nai liên tục thực hiện các chương trình đánh giá sản phẩm OCOP với đa dạng về chủng loại và mang đặc trưng riêng của từng vùng. Hiện nay đặc sản tại Đồng Nai khá nổi tiếng như khô cá kìm, gà thảo mộc, trứng gà thảo mộc của huyện Định Quán; chuối chiên giòn, chuối sấy dẻo của huyện Thống Nhất; sản phẩm sầu riêng và chôm chôm của huyện Xuân Lộc,…
Nhiều hộ nông dân nói rằng, thời gian qua cán bộ địa phương khá quan tâm đến cuộc sống, việc làm của bà con nông dân. Đồng thời liên tục có những đóng góp, định hướng phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường nói rằng địa phương có lợi thế nằm giáp lòng hồ Trị An với nghề đánh bắt và chế biến thủy sản rất phát triển. Trong đó, nghề làm khô cá kìm, khô cá lóc… là nghề truyền thống của địa phương; đặc biệt khô cá kìm là đặc sản độc đáo của hồ Trị An vì độ thơm ngon và có nguồn cung đều đặn quanh năm.
Đặc sản này được chọn làm sản phẩm OCOP của Định Quán năm 2020, các hộ chế biến đã vào tổ hợp tác, bước đầu có 15 thành viên tham gia chuỗi liên kết để có sản lượng lớn, đăng ký nhãn hàng chung cho khô cá kìm của cả vùng để loại đặc sản bản địa này vươn xa hơn.
Ông Hoàng cũng mong muốn người dân mọi nơi sẽ có cơ hội thưởng thức cá ngon của vùng hồ Trị An. Cũng theo ông Hoàng, chương trình sản phẩm OCOP diễn ra giúp cho người dân có cơ hội đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng, bay cao bay xa hơn, được tiếp cận với nhiều người hơn.
“Ngày trước cá kìm rẻ lắm, chủ yếu làm thức ăn cho vật nuôi, nhưng từ khi khô kìm trở thành đặc sản của lòng hồ Trị An thì giá cả cũng tăng theo. Hơn nữa, ít người đánh bắt, biết làm cá khô nên khô kìm bán rất chạy. Nếu đến hồ Trị An mà chưa thưởng thức món ăn làm từ khô kìm là một thiếu sót đáng tiếc cho chuyến đi của du khách. Đặc biệt cá kìm ở hồ Trị An con nào cũng béo tròn, to bằng ngón tay người lớn”, ngư dân Nguyễn Văn Út đánh bắt cá tại lòng hồ Trị An chia sẻ.
Khô cá lìm kìm
Thu lợi tiền tỷ
Cũng theo các nông dân, trước đây, cá lìm kìm ít được người dân bắt ăn nhưng hiện nay đã trở thành đặc sản ngon được nhiều người ưa chuộng. Loài cá kìm thường xuất hiện vào tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Khi nước hồ Trị An bắt đầu dâng cao, cũng là mùa của cá lìm kìm sinh sản trưởng thành nổi dềnh trên mặt nước mỗi khi gặp ánh đèn của ngư dân. Cá lìm kìm có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như cá lìm kìm kho nghệ, nấu canh mướp hương, làm gỏi khô trộn xoài sống… nhưng ngon nhất là món cá lìm kìm kho khô, cá lìm kìm nướng chấm mắm me. Ngày nay, cá lìm kìm đã trở thành đặc sản nổi tiếng trên đất Đồng Nai và được nhiều người ưa thích lựa chọn.
Trong khi đó đặc sản ca cao cũng mang lại thu nhập cao cho người dân vùng Định Quán, Đồng Nai. Theo đó cây ca cao được đưa vào trồng ở tỉnh Đồng Nai từ những năm 80. Tuy nhiên đến năm 2003, thông qua chương trình “cây ca cao quốc gia”, với việc các doanh nghiệp ở Đồng Nai tham gia vào chương trình đầu tư canh tác, bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu, thì hiệu quả kinh tế ngày càng được khẳng định và đã trở thành loài cây trồng có thế mạnh ở địa bàn tỉnh Đồng Nai, mà nhiều nhất là ở các huyện Định quán, Tân Phú.
Hiện nay, dự án trồng cây ca cao ở tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục trên đà phát triển rộng lớn. Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức được thành lập từ năm 2005 và cho ra đời các sản phẩm được chiết xuất từ cây cacao như: Sôcôla, bột cacao, rượu cacao, rượu vang.. nhằm tạo ra những sản phẩm đặc sản chất lượng cao của Đồng Nai.
Khi ghé vào trạm dừng chân Bungo - Thế giới Ca cao của Công ty Trọng Đức, du khách sẽ được thưởng thức miễn phí sản phẩm Sôcola. Với hương vị tinh tế vốn có của nó và thăng hoa nhờ cách chế biến tài hoa của các bậc thầy Sôcôla, sẽ đem đến cho du khách một trải nghiệm hoàn toàn đẳng cấp. Bột cacao Trọng Đức được chiết xuất từ những hạt ca cao tốt nhất, sẽ đem đến một cảm giác tuyệt vời, với hương vị hoàn toàn mới, nồng nàn nhưng không kém phần quyến rũ. Thức uống của cacao - Rượu vang cacao được chiết xuất từ cacao cộng với công thức gia truyền, đã cho ra đời những chai rượu hảo hạng,… sẽ làm cho du khách say mê thưởng thức nó.
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ông Ngô Tấn Tài cho hay, thế mạnh sản phẩm OCOP của địa phương là các loại đặc sản, nông sản chế biến. Cụ thể năm 2019, huyện có 6 sản phẩm OCOP đều là sản phẩm chế biến như: bột ca cao nguyên chất, rượu vang ca cao, mít sấy, chuối sấy, khoai lang sấy, khoai tây sấy. Trong đợt 1-2020, huyện có 7 sản phẩm OCOP chủ yếu cũng tập trung cho dòng sản phẩm chế biến như: xoài sấy dẻo, chuối sấy dẻo, khô cá kìm, sô cô la đắng.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, trong năm 2020, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai tổ chức 2 đợt bình chọn, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh để tìm kiếm những sản phẩm chất lượng, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Hải Sơn – Song Phương - Pháp luật Plus