Cụ thể, ngày 19/7, Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã ban hành văn bản số 331/BC-BQLVHL báo cáo gửi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh.
Đơn vị này khẳng định, Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ là hai danh lam thắng cảnh thuộc địa giới hành chính của hai địa phương khác nhau (tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng). Việc tham quan các danh thắng phải tuân thủ theo nội quy, quy định của từng địa phương, từng danh thắng không thể các phương tiện hoạt động tàu du lịch thích đi đâu thì đi.
Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ là hai danh lam thắng cảnh thuộc địa giới hành chính của hai địa phương khác nhau (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) vì vậy tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ đang muốn được đưa khách sang vịnh Hạ Long thì phải có luồng tuyến. Nguồn ảnh internet.
Cũng theo văn bản của Ban Quản lý vịnh Hạ Long tất cả các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long lắp hệ thống cứu hỏa hiện đại, hệ thống camera, định vị để cơ quan chức năng giám sát. Các tàu đi đến đâu cơ quan chức năng đều có thể nắm bắt được và kịp thời cứu hộ cứu nạn nếu có tình huống xấu xảy ra.
Trong văn bản còn cho biết những năm vừa qua, từ yêu cầu quản lý nhà nước đối với các phương tiện vận chuyển và lưu trú trên vịnh Hạ Long nhằm khắc phục triệt để nguy cơ gây mất an toàn trên tàu hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đồng thời để thực hiện khuyến cáo của tổ chức UNESCO, IUCN về “hạn chế số lượng tàu du lịch hoạt động trên khu vực vịnh Hạ Long”.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long như Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 01/4/2016 về phê duyệt Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2020.
Thông báo số 31/TB-UBND ngày 16/02/2017 về các biện pháp cấp bách để phòng chống cháy nổ và các nguy cơ khác trên tàu du lịch ảnh hưởng tới công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Công văn số 6588/UBND-XD2 về giải quyết nhu cầu thay thế tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…
Để được hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, tàu du lịch phải đáp ứng được các tiêu chí về an toàn, kỹ thuật,… theo các quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh. Nhiều tàu du lịch không đáp ứng được các quy định của tỉnh Quảng Ninh đã được chủ tàu chuyển nhượng sang hoạt động trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng).
Hiện nay có 400 tàu thường xuyên hoạt động vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Nguồn ảnh internet
Do không được phát triển thêm tàu nên đã đầu tư sang Cát Bà. Từ số lượng 533 tàu (tháng 4/2016) du lịch vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến nay đã giảm xuống còn 500 tàu (trong đó có 400 tàu thường xuyên hoạt động), đã tránh được việc quá tải lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Nếu các tàu du lịch từ Hải Phòng chạy vào vịnh Hạ Long thì sẽ làm tăng số lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, do đó tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã không thiết lập thêm tuyến từ Cát Bà sang Hạ Long mà hai bên triển khai hoạt động du lịch theo các tuyến du lịch do hai địa phương đã xây dựng.
Ngoài ra Căn cứ quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, tàu du lịch chỉ được hoạt động trong luồng tuyến du lịch đã được ghi trong giấy phép rời cảng, bến do cơ quan cảng vụ cấp. Do vậy các tàu du lịch của Hải Phòng sẽ không được hoạt động trong khu vực vịnh Hạ Long nếu không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động
Đối với tàu du lịch từ Hạ Long sang Cát Bà: Hiện cơ quan Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh vẫn cấp giấy phép rời cảng, bến đối với các tàu 4 vận chuyển khách du lịch từ Hạ Long đi Cát Bà theo tuyến số 5 (quy định tại Phụ lục số III ban hành kèm theo Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh).
Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh không cấp phép đối với những tàu du lịch đi theo các tuyến, điểm du lịch khác, không theo quy định.
Đối với tàu du lịch từ Cát Bà sang Hạ Long: Hiện nay cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa Hải Phòng mới chỉ cấp phép tàu du lịch Cát Bà đi vịnh Lan Hạ (không đi vịnh Hạ Long), nên theo quy định các tàu du lịch từ Cát Bà sẽ không được đến các điểm không ghi trong giấy phép rời cảng, bến.
Vì vậy, trong quá trình tuần tra kiểm soát, các cơ quan chức năng phía bên Hạ Long nếu phát hiện ra vi phạm của tàu du lịch sẽ có văn bản đề nghị các đơn vị chức năng phía Hải Phòng xử lý đối với tàu vi phạm.
Theo quy định của thành phố Hải Phòng các tàu du lịch hoạt động trên tuyến 3 phải đi theo hành trình như sau: Bến Gót - Gia Luận - Trà Báu - Áng Ông Cậm - Hang Tối - Hang Sáng - Gia Luận - Bến Gót. + Với hành trình như trên, các tàu phải chạy từ Bến Gót ra đến khu vực Gia Luận và ngược lại.
Vì vậy muốn có tour kết nối Cát Bà - vịnh Hạ Long và tìm giải pháp thống nhất tạo sự thuận tiện hơn cho doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, cũng như khách du lịch thì 2 địa phương Quảng Ninh - Hải Phòng phải có sự thống nhất và làm việc với cơ quan quản lý T.Ư, UNESCO và IUCN.
Nguyễn Quang -Pháp luật Plus