Không lơ là dịch bệnh trước thềm năm học mới

28/08/2023 16:04

Kinhte&Xahoi Thời điểm hiện nay, trong khi dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ bước vào cao điểm thì một số bệnh như tay chân miệng, thủy đậu… vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Các chuyên gia y tế lo ngại, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, nguy cơ số ca mắc ở trẻ sẽ gia tăng thời gian tới, nhất là khi năm học mới đã cận kề.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh). Ảnh: Xuân Lộc

Nhiều bệnh truyền nhiễm “tấn công” trẻ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn; Đa khoa Đống Đa; Đa khoa Đông Anh; Hữu nghị Việt Nam - Cuba; Nhi trung ương,… số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang gia tăng. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã khám cho 720 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó hơn 300 ca phải nhập viện điều trị. Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) cũng điều trị gần 300 ca. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8-2023 đã tiếp nhận gần 80 bệnh nhân sốt xuất huyết (tăng gần gấp đôi so với tháng 7-2023).

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Mạnh Hà, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) lưu ý, giống như những năm trước, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có những biểu hiện như: Sốt đột ngột cấp tính, nhiệt độ cao liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau đầu, đau mỏi người, xuất huyết dưới da… Nặng hơn, người bệnh có xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, chảy máu cam… Trẻ em khi mắc sốt xuất huyết cũng có các dấu hiệu như người lớn. Gần đây, bệnh viện đã điều trị thành công cho nhiều ca nặng, nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm sâu và nhanh, men gan tăng cao do dùng thuốc hạ sốt tại nhà không đúng cách.

Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu tháng 8-2023 đến nay đã có 97 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện (tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có nhiều trường hợp tái mắc bệnh. Đơn cử như em V.H. (8 tuổi, ở Hà Nội) - một trong những trẻ mắc sốt xuất huyết có diễn biến nặng nhất. Cách đây 4 năm, H. từng bị sốt xuất huyết. Năm nay, em tái mắc bệnh và khi nhập viện bị sốt cao liên tục, có chấm sốt xuất huyết vùng mặt, sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng... Sau 10 ngày điều trị, H. đã được xuất viện với sức khỏe ổn định.

Không chỉ sốt xuất huyết, hiện thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận còn xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ). Trong 3 tuần của tháng 8-2023, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ (gấp gần 2 lần so với tháng 6-2023). Tương tự, 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng. Tuy nhiên, vẫn có khoảng từ 10-15% bị biến chứng và di chứng. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.

Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 1.169 ca tay chân miệng (giảm gần 100 ca so với cùng kỳ năm 2022) và 36 ổ dịch. Hiện còn 1 ổ dịch tay chân miệng đang hoạt động tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm với 2 ca bệnh. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có gần 2.000 ca thủy đậu (tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…

Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa

Lo ngại dịch bệnh đau mắt đỏ sẽ tiếp tục lây lan mạnh khi trẻ đến trường, bác sĩ Hoàng Cương phân tích, chỉ cần tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi, hay chạm tay vào những vật dụng, đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh… đều dễ dàng mắc bệnh. Do đó, khi trẻ được chẩn đoán đau mắt đỏ, gia đình cần cho con nghỉ ngơi, cách ly tại nhà để tránh dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, cha mẹ nên lưu ý về diễn biến tại mắt của trẻ trở nặng bất thường sẽ có những dấu hiệu như: Trẻ sợ sáng, quấy khóc, sưng nề phát triển nhanh, ánh mắt mờ đục, có mủ ở lòng đen...

Còn với dịch bệnh sốt xuất huyết, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Thêm vào đó, thời điểm này, học sinh, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng mắc bệnh. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.

Thời gian qua, số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Đặc biệt, sắp tới học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể. Thông qua kênh truyền thông của nhà trường sẽ giúp nâng cao ý thức phòng bệnh của giáo viên với học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.

 Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ấm áp nghĩa tình mùa Vu lan

Vu lan là một trong những dịp lễ quan trọng và ý nghĩa trong nền văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/khong-lo-la-dich-benh-truoc-them-nam-hoc-moi-639317.html