Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia mất khả năng chi trả tiền thuê đất

20/09/2018 14:59

Kinhte&Xahoi Nếu bị truy thu tiền thuê đất, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia sẽ phải nộp khoảng 314 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị này, số thu chi chưa phân phối hiện chỉ còn gần 1,6 tỷ đồng.

Dự án Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từng là niềm tự hào của thể thao Việt Nam.

Năm 2012, Khu liên hợp thể thao Quốc gia đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy theo Nghị định 43 và Nghị định 16, Nghị định 59 và Nghị định 69 của Chính phủ về cơ chế và chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, văn hóa, thể thao và môi trường.

Dự án Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia bị "xẻ thịt" 

Thực hiện tự chủ về tài chính theo Nghị định của Chính phủ và chịu trách nhiệm 100% kinh phí cho hoạt động, Khu Liên hợp thể thao Quốc gia đã thực hiện liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân để tạo các nguồn thu từ việc đầu tư khai thác quỹ đất và những cơ sở vật chất hiện có.

Từ ngày 1/7/2014, Luật đất đai 2013 chính thức áp dụng. Theo đó, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia là đơn vị tự chủ, chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, nên phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích sự nghiệp.

Từ năm 2011, Khu Liên hiệp thể thao Quốc Gia đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với một số đơn vị với thời hạn từ 10-15 năm và 430 hợp đồng ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm).

Ngày 27/7/2017, Cục thuế Hà Nội có văn bản số 50524 báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc truy thu thuế của Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia.

Ngày 29/11/2017, Bộ Tài chính có văn bản số 16182 về việc thu tiền thuê đất đối với Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia.

Theo văn bản 16182, trước thời điểm ngày 1/7/2014, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp sử dụng tài sản trên đất để liên doanh, liên kết thì phải nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích đất được sử dụng liên doanh, liên kết.

Từ ngày 1/7/2014, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia là đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên nên phải chuyển sang hình thức thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, và được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích sự nghiệp.

Theo báo cáo của Cục thuế Hà Nội, đến cuối năm 2017, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia vẫn chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai để nhà nước cho thuê đất.

Mới đây, Liên ngành gồm Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Tài chính, Cục thuế, Sở Quy hoạch kiến trúc và Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về công tác quản lý, hiên trạng sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính tại Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia.

Theo tờ trình này, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, các hợp đồng ngắn hạn trước năm 2017 đã được Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia thanh lý và đưa số tiền thu từ tiền thuê đất vào quyết toán doanh thu và chi phí của đơn vị. Việc truy thu tiền thuê đất dự kiến khoảng 314 tỷ đồng là gánh nặng tài chính không có khả năng chi trả. Đồng thời, việc thông báo thuê đất đối với đơn vị không có khả năng chi trả sẽ là gánh nặng về số thu nợ đọng đối với thành phố.

Vì vậy, Liên ngành thống nhất báo cáo UBND TP Hà Nội tạm dừng việc truy thu tiền thuê đất đối với các hợp đồng ngắn hạn.

Theo một nguồn tin của PV, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia đang bị Chi cục thuế Quận Nam Từ Liêm ra thông báo truy thu và phải nộp hơn 60 tỷ đồng tiền thuê đất.

 

Theo Nhà Đầu Tư/GĐ&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lồng đèn thủ công truyền thống đang “hồi sinh”

Có một thời, lồng đèn thủ công truyền thống dường như hoàn toàn mất dạng, lép vế trước lồng đèn điện tử xuất xứ Trung Quốc đủ màu sắc, chức năng thu hút con trẻ. Thế nhưng, trong vòng 2 mùa Trung thu gần đây, với sự nỗ lực của các bậc phụ huynh, lồng đèn thủ công đang dần trở lại với trẻ thơ ở TP mang tên Bác.