Bị vợ phản bội, trải qua 3 lần đò
Trong các tiểu thuyết võ hiệp của mình, Kim Dung viết khá nhiều về tình yêu, về tình duyên đôi lứa.
Dưới ngòi bút của ông, những mối tình của Tiểu Long Nữ - Dương Quá, Lệnh Hồ Xung - Thánh Cô, Trương Vô Kỵ - Triệu Mẫn... đều đẹp, lãng mạn, kết thúc có hậu, thậm chí trở thành biểu tượng của tình yêu.
Tiểu thuyết gia Kim Dung.
Tuy nhiên trái ngược các "thiên tình sử" trong tác phẩm của mình, tình duyên của Kim Dung lại cực kỳ lận đận. Ông đã kết hôn 3 lần và chịu nhiều tổn thương về tình cảm.
Người vợ đầu tiên của Kim Dung tên Đỗ Dã Phần. Họ quen biết nhau trong một lần Kim Dung đến chơi nhà một độc giả thân thiết, vừa hay Đỗ Dã Phần là chị gái của anh chàng độc giả này.
Kim Dung và người vợ đầu - Đỗ Dã Phần.
Ngay từ lần đầu gặp gỡ, Kim Dung đã bị vẻ đẹp, sự thông minh, hài hước của Đỗ Dã Phần hút hồn. Ông quyết chinh phục người đẹp bằng cách chăm đến thăm nhà cô, tạo ấn tượng tốt với gia đình họ Đỗ.
Nhờ nỗ lực "trồng cây si", Kim Dung đã đốn gục trái tim người đẹp. Năm 1948, cặp đôi tổ chức một đám cưới lãng mạn tại Thượng Hải. Sau hôn lễ, Kim Dung được cử đến Hong Kong làm việc, ông đưa vợ đi cùng.
Tuy nhiên cuộc sống sau hôn nhân của họ không mấy êm đẹp. Kim Dung quá bận rộn, cộng thêm cuộc sống xa lạ nơi đất khách quê người khiến Đỗ Dã Phần luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Không chịu nổi, cô quyết bỏ về nhà mẹ đẻ, để một mình Kim Dung ở lại Hong Kong.
Cuối cùng, họ đường ai nấy đi sau 3 năm chung sống. Sau này khi nhắc đến cuộc hôn nhân đầu tiên, Kim Dung cho biết, Đỗ Dã Phần đã phản bội ông.
Người vợ thứ hai của Kim Dung là Chu Mai, người vợ tào khang cùng ông gầy dựng cơ nghiệp. Chu Mai là một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, có học vị cao, tốt nghiệp đại học ở Hong Kong và thông thạo ngoại ngữ.
Lúc mới cưới, Kim Dung chỉ có hai bàn tay trắng. Chu Mai vừa đảm nhận vai trò làm vợ, làm mẹ, vừa là trợ thủ đắc lực cho chồng trong công việc.
Kim Dung và vợ hai Chu Mai.
Năm 1959, Kim Dung và Chu Mai cùng sáng lập tờ Minh Báo. Kim Dung là tổng biên tập còn Chu Mai là nữ phóng viên duy nhất của tờ báo. Ban đầu, doanh số Minh Báo phát hành rất thấp, lúc nào cũng đứng trước nguy cơ giải tán, chính Chu Mai là người đã hỗ trợ và động viên Kim Dung rất nhiều.
Phải đến tận năm 1970, sự nghiệp của Kim Dung mới phất lên. Ông hoàn thành 14 tiểu thuyết, đưa Minh Báo trở thành tờ báo bán chạy nhất Hong Kong. Song cũng vào thời điểm này, mối quan hệ của hai vợ chồng ông bắt đầu rạn nứt.
Kim Dung và Chu Mai thường xuyên tranh cãi gay gắt do bất đồng quan điểm. Thêm vào đó, Chu Mai phát hiện chồng thay lòng, mê đắm minh tinh Hạ Mộng và một phụ nữ khác.
Không thể chấp nhận được chuyện này, Chu Mai đã yêu cầu ly hôn vào năm 1976. Bà đưa ra hai yêu cầu: một là bồi thường vật chất cho bà, hai là không được sinh thêm con, Kim Dung đều chấp thuận.
Dù vậy cuộc sống hậu ly hôn của Chu Mai không hề hạnh phúc. Bà sống trong sự cô độc, nghèo khó để rồi qua đời vì bạo bệnh vào năm 1998 khi ở tuổi 63.
Đến tận lúc qua đời, Chu Mai vẫn chỉ có một mình trong bệnh viện, không chồng con ở bên. Năm 90 tuổi, khi trả lời phỏng vấn, Kim Dung đã bật khóc trong ân hận khi nhắc đến Chu Mai và chuyện bỏ rơi người vợ tào khang.
Trong những năm tháng cuối đời, Kim Dung sống cùng người vợ ba Lâm Nhạc Di, kém ông 29 tuổi. Họ quen nhau trong một lần Kim Dung vào quán rượu để giải sầu, còn Nhạc Di là người phục vụ trong quán.
Kim Dung và Lâm Nhạc Di.
Từ cuộc trò chuyện "tâm đầu ý hợp", hai người dần thấu hiểu, yêu thương nhau rồi trở thành vợ chồng. Dù khá kín tiếng trước truyền thông, nhưng mỗi lần xuất hiện công khai, cặp vợ chồng lệch tuổi rất tình cảm.
Tuy vậy, Kim Dung không có con với Lâm Nhạc Di, ông đã giữ đúng lời hứa với Chu Mai.
Con trai tự sát khi mới 19 tuổi
Dù kết hôn 3 lần nhưng Kim Dung chỉ có con với người vợ thứ hai - Chu Mai. Ông có tất cả 4 người con, gồm 2 trai, 2 gái.
Con trai đầu của Kim Dung là Tra Truyền Hiệp, thừa hưởng tài năng văn chương của cha. Năm 4 tuổi, Truyền Hiệp đã thuộc Tam Tự Kinh; 6 tuổi có thể nằm lòng Tăng Quảng Hiền Văn. Khi lên 11, Tra Truyền Hiệp có tác phẩm đầu tay mang tên Cuộc đời ta là vì cái gì.
Kim Dung cùng con trai Tra Truyền Hiệp và con gái Tra Truyền Thi.
Kim Dung rất tự hào về người con trai "thần đồng văn học" này. Ông đánh giá con trai có tư tưởng thông tuệ, suy nghĩ chín chắn, trưởng thành và bỏ ngoài tai những lời nhận xét rằng văn phong của Truyền Hiệp quá u uất so với tuổi thật.
Song suy nghĩ sai lầm đó của Kim Dung đã đẩy ông đến với bi kịch tiếp theo của cuộc đời, đó là "kẻ đầu bạc phải tiễn người đầu xanh".
Tháng 10/1976, Kim Dung nhận tin như sét đánh ngang tai. Con trai ông - Tra Truyền Hiệp đã thắt cổ tự sát tại Mỹ ở tuổi 19. Anh quyên sinh sau một trận tranh cãi với bạn gái ngoại quốc.
Nhưng cũng có người nói rằng, nguyên nhân chính khiến Tra Truyền Hiệp quyết định kết thúc cuộc đời không phải do tình ái, mà là vì anh biết chuyện cha mẹ bất hòa, ly hôn. Bế tắc trong cuộc sống, chìm đắm trong u uất, Tra Truyền Hiệp đã chọn cái chết để giải thoát chính mình.
Đến tận cuối đời, Kim Dung vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau mất con.
Nỗi đau mất con là vết thương vẫn không thôi rỉ máu trong lòng Kim Dung. Đến tận 28 năm sau khi con trai qua đời, ông vẫn chẳng thể nguôi ngoai:
"Tôi nhớ rõ ngày đó, khi nhận được tin con trai qua đời tại Mỹ, lòng tôi trống rỗng, nỗi đau chẳng thể khóc thành tiếng.
Tôi vẫn đang làm việc ở tòa soạn, tay viết văn mà lòng đau như cắt. Rồi tôi khóc òa như một đứa trẻ, càng khóc tôi càng muốn viết".
Sau cái chết của con trai, Kim Dung ngày càng tin vào đạo lý luân hồi trong Phật pháp. Các tác phẩm của ông đều mang màu sắc của đạo Phật. Năm 1991, Kim Dung bán tờ Minh Báo cho Vu Phẩm Hải cũng vì "thấy người này có nét giống con trai tôi, hai người lại cùng tuổi".
Theo Soha.vn/Phapluatplus