Kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét

29/05/2022 10:31

Kinhte&Xahoi Theo Cục Thống kê Hà Nội, diễn biến phát triển kinh tế trên địa bàn trong tháng 5-2022 tiếp tục tăng trưởng và cải thiện rất rõ nét, thể hiện qua nhiều ngành/lĩnh vực quan trọng như sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Thủ đô đang tiếp đà phục hồi, tăng trưởng một cách vững chắc qua từng tháng.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai khoáng tăng 0,9% và tăng 5,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,7% và tăng 7,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,9% và tăng 2,9%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,6% và tăng 8,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khai khoáng tăng 10,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,5%. Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP 5 tháng đầu năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 24,4%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 17,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,3%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 12,1%; đồ uống tăng 11%; thiết bị điện tăng 7,1%.

Tháng 5-2022, thành phố Hà Nội có 25 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 7,9 triệu USD, tăng 56,2% số dự án và tăng 49% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, có 11 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 6,7 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 23 lượt, đạt 4 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố thu hút 703 triệu USD vốn FDI, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 129 dự án với số vốn đạt 96 triệu USD; có 69 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 216 triệu USD; 146 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 391 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội trong tháng 5 đạt 1,524 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 6,908 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3.740 triệu USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.168 triệu USD, tăng 18,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ: Hàng dệt, may đạt 1,015 tỷ USD, tăng 39,2%; máy tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 954 triệu USD, tăng 20,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 638 triệu USD, tăng 13,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 367 triệu USD, tăng 31,2%; hàng nông sản đạt 328 triệu USD, tăng 4,7%; hàng hóa khác đạt 1,817 tỷ USD, tăng 16,5%.

Khách quốc tế (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 5 đạt 69 nghìn lượt khách, tăng 54,2% so với tháng trước và gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 161 nghìn lượt khách, tăng 79,5% so với cùng kỳ.     

Anh Minh - Hà Nội mới

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP Hồ Chí Minh tổ chức tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” để thu hút du khách

Tuần lễ trái cây "Trên bến dưới thuyền" Quận 8 lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 28/5 đến 4/6, tại tuyến đường Bến Bình Đông (Quận 8), với quy mô khoảng 180 gian hàng tham gia trưng bày mây tre lá, các sản phẩm trái cây của các tỉnh miền Tây để thu hút du khách đến với TP Hồ Chí Minh.

“Tỏa rạng” Thăng Long tứ trấn

Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn, gồm các đền: Bạch Mã, Voi Phục, Quán Thánh, Kim Liên vừa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, góp phần tạo dựng bản sắc riêng có cho mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội; cũng đặt ra những yêu cầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm sao tương xứng với vai trò, vị trí của cụm di tích trong đời sống đương đại.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1033265/kinh-te-thu-do-phuc-hoi-ro-net