Lan tỏa hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam
Kinhte&Xahoi
Mỗi một địa phương có phương hướng, cách triển khai khác nhau nhằm tuyên truyền hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Song, đều có điểm chung là lan tỏa thực chất và hỗ trợ phát triển hệ giá trị văn hóa, gia đình.
Đoàn khảo sát làm việc với ngành văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định.
Đó là nội dung được trao đổi tại buổi làm việc giữa Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội và Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) với tỉnh Nam Định, trong khuôn khổ hoạt động của chương trình khảo sát thực tế tại các tỉnh, thành về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Báo cáo với đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định Đỗ Quang Trung cho biết, đến nay, tỉnh Nam Định đã đảm bảo đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Toàn tỉnh có gần 900 đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thu hút hơn 3.000 hội viên tham gia, tổ chức được hơn 700 buổi hoạt động/năm.
Đồng thời, Sở đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhất là việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng của của đất và người Nam Định với các lễ hội nổi tiếng như Lễ hội Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Chùa Keo…
Về công tác xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2024, Sở đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; biên soạn, cung cấp nội dung tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên hệ thông truyền thanh cơ sở; tổ chức các hội nghị tọa đàm, diễn đàn liên quan…
Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, cũng giống như Nam Định, Hà Nội tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, đã tổ chức triển khai nhiều hội thảo, tọa đàm xây dựng chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch văn minh; xây dựng 2 bộ quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng; triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa…
Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng, mỗi một địa phương có những phương hướng, cách triển khai khác nhau, tuy vậy, không phải không có điểm chung.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, các hoạt động cần được thực hiện thường xuyên, hướng tới người dân tránh hình thức. Về mặt tuyên truyền cần định hướng tốt hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; xác định tiêu chí, đánh giá, nghiên cứu triển khai cụ thể theo tinh thần người thật việc thật, hỗ trợ phát triển ngành văn hóa.
kinhtedothi.vn