Lão nông “neo giữ” hồn quê
Kinhte&Xahoi
Ở làng quê Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), ông Nguyễn Trường (SN 1937) là một trong số ít những người thợ còn chế tác ra những chiếc cối xay lúa bằng tre cầu kì, đẹp mắt, gợi nhớ ký ức về một thời nhọc nhằn nơi chốn quê xưa.
Ông Trường vận hành thử chiếc cối xay lúa vừa được đóng hoàn chỉnh.
Dẫu những chiếc cối xay làm bằng tre giờ đây không còn được ưa chuộng và cũng rất ít có khách hàng mua sử dụng nhưng lão nông này vẫn nặng tình dành cả cuộc đời "neo giữ" nét tinh hoa của nghề thủ công truyền thống được ông cha truyền lại.
3 đời cố trụ với nghề truyền thống
Lục soát lại kí ức, ông Trường chia sẻ: “Năm 10 tuổi, tôi bắt đầu theo ông nội và cha rong ruổi khắp các làng quê để học lại nghề. Cũng chẳng nhớ chính xác nghề đóng cối xay có từ khi nào, chỉ biết rằng đến tôi là đời thứ 3 trong gia đình mưu sinh bằng công việc này. Và rồi đến giờ, trải qua bao thăng trầm, tôi vẫn chung thủy với nghề xưa cũ”.
Ngày ấy, cứ mỗi sớm tinh mơ, ông trở dậy ăn vội bát cơm rồi gánh thùng đồ nghề gồm bào, đục, búa, cưa, rựa… đi đóng cối thuê cho bà con. Khi thì xuôi về vùng biển, khi thì trở ra lại đồng bằng, nơi nào trong huyện Hải Lăng cũng có dấu chân không mỏi của ông tìm đến để làm nghề.
Phần tre được sử dụng để làm cối phải là tre vừa đủ già, thân thẳng, rồi được ngâm, chẻ thật mỏng để đan bện.
Theo kinh nghiệm của ông Trường, để làm được một chiếc cối ưng ý, xay tách được trấu gạo và hạt gạo không bị nát đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay. Từ khâu chọn tre vừa đủ già để tránh mối mọt cho đến việc chẻ tre, ngâm tre, chọn gỗ chẻ thật mỏng, đều để những khối gỗ khi nện vào giữa hai thớ cối không bị lệch và công vênh. “Khi đó tuổi trẻ và sức khỏe nên để hoàn thành một chiếc cối xay lúa, tôi chỉ mất 3 ngày. Làm xong cối, công trả thường được đổi bằng lúa. Nếu đóng cối thì khoảng tầm 10 thúng lúa, còn nếu sửa cối thì 2 thúng lúa. Cũng nhờ vào nghề, cộng với làm ruộng nương mà vợ chồng tôi nuôi được 6 đứa con khôn lớn”, ông Trường nói.
Chiếc cối xay tre do ông Trường đóng có hình dáng rất đẹp mắt.
Mục đích của việc trộn muối vào vừa giữ được độ ẩm của đất để đất không rơi ra ngoài trong quá trình xay sau này, vừa có tác dụng gia tăng sức chống mối mọt. Bên ngoài vỏ cối được trát bởi một lớp đất sét trộn với phân trâu, bò và dây tơ hồng giã nát. Chỉ cần những thứ ấy phối trộn phù hợp, chiếc cối làm ra với cấu tạo không hề sử dụng kim loại nhưng vẫn bền bỉ qua hàng chục vụ lúa.Một công đoạn quan trọng nữa trước khi hoàn chỉnh chiếc cối xay đó là phần thân cối xay phải được lèn bằng đất. Cụ thể, người thợ phải ra đồng tìm chọn khoảnh đất sét có độ dẻo cao, gánh về phơi khô rồi lấy đùi nện cho đất rã mịn. Đất được sàng qua để đảm bảo chắc chắn không còn những hạt to, tiếp đó trộn đất với muối hạt và nước, với tỉ lệ 10kg đất + 1kg muối.
Rồi chỉ vào một chiếc cối xay đã hoàn thiện nằm bên hiên nhà, ông giới thiệu kết cấu chính của chiếc cối bao gồm: Dàn đế gỗ; đế chân; máng xay; thân buồng xay. Tất cả các bộ phận này được kết nối với nhau bằng mộng gỗ hoặc tre để tạo nên một chiếc cối xay hoàn chỉnh. Để vận hành chiếc cối xay thì một bộ phận không thể thiếu là chiếc giàng xay. Mỗi khi xay lúa thì tra vào lỗ của phần “tai” cối xay.
Luôn đau đáu chuyện “khát” truyền nhân
Vào những năm đầu thập niên 90, nghề đóng cối vơi dần việc khi dòng điện thắp sáng được kéo về khắp xóm thôn, kèm theo đó là những chiếc cối xay bằng điện ra đời giúp người nông dân đỡ nhọc nhằn với việc xay, giã lúa thủ công như xưa. Những người làm nghề đóng cối xay lúa như ông cũng dần chuyển sang nghề khác để kiếm sinh nhai. Riêng ông Trường thì có tay nghề đan lát nên kiêm thêm việc đan rổ, thúng, nia... Thỉnh thoảng nhớ nghề, ông lại đưa dụng cụ ra để làm lại.
Niềm vui của lão nông là được gắn bó với nghề truyền thống của ông cha.
Từ trong tỉnh, đến các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, đến tận TP Hồ Chí Minh, Điện Biên...Vậy là tôi lại được quay về với nghề chính. Vừa có thêm thu nhập và hơn hết là thỏa niềm đam mê”, ông Trường vui vẻ kể. “Cứ tưởng là phải dứt bỏ nghề, nhưng bẵng một thời gian sau, nhiều người làm du lịch ở Huế tìm đến tận nơi đặt mua. Khoảng tầm năm 2008, nhiều người làm kinh doanh, dịch vụ, bảo tàng, chùa chiền… cũng tìm đến tận nơi đặt hàng ngày càng đông hơn.
Thời điểm ấy mỗi chiếc cối đóng xong ông bán với giá 700 - 800 ngàn đồng, tùy kích cỡ. Nay mỗi chiếc cối làm ra bán giá 3 - 4 triệu đồng/chiếc và ông phải mất gần một tuần mới hoàn thiện được sản phẩm.
Hỏi chuyện truyền nghề mai sau, ông trầm ngâm: “Tôi nay đã gần đất xa trời mà đến giờ vẫn chưa có người nào có thể thay mình tiếp bước giữ nghề. Trước đây, cũng có nhiều người từng ngỏ ý muốn học, nhưng rồi chẳng ai mặn mà nối gót. Cả 6 đứa con của tôi cũng không đứa nào theo được nghề của cha. Nghề khó nối cũng bởi một phần bây giờ mọi thứ được hiện đại hóa bằng máy móc, những sản phẩm thủ công ít được sử dụng. Tôi chỉ sợ không lâu nữa thôi nghề này sẽ mai một và rồi đây có thể bị thất truyền”.
Rời nhà ông trong buổi chiều muộn, tôi vẫn đau đáu về tình yêu, tâm huyết của ông Trường dành cho nghề đóng cối và nỗi tiếc nuối về một nghề truyền thống đang dần mai một ở nơi một thời từng rất hưng thịnh.
Phạm Quyên