Liệu thịt lợn có tiếp tục lên “cơn sốt” giá?
Kinhte&Xahoi
Hiện, số lượng đàn trong dân rất ít bởi lo dịch tả lợn châu Phi, một số người nuôi lại "găm" hàng, nên thương lái không có đủ hàng để thu mua.
Với sự thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi vừa diễn ra và tốc độ tái đàn đang diễn ra chậm, thịt lợn trên thị trường Việt Nam đang tiếp tục đứng trước tình thế khủng hoảng. Liệu, giá thịt lợn trên thị trường có lên đến đỉnh điểm hay phá đỉnh hay không?
Thị trường xuất hiện thiếu cung "giả tạo". (Ảnh: VTC1)
Chia sẻ trên kênh VTC1, thương lái cho biết, số lượng đàn trong dân rất ít, bởi cùng kỳ năm ngoái người chăn nuôi phá đàn nhiều do dịch bệnh, giá cả sụt giảm, nên hiện giờ không có đủ hàng để thương lái thu mua.
Báo cáo trước Quốc hội tuần vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi lây lan về Việt Nam từ đầu tháng 2/2019 đã gây ra thiệt hại quá lớn. "Đây là dịch lịch sử trong ngành chăn nuôi Việt Nam, và chăn nuôi thế giới cũng chưa bao giờ phải đối mặt với loại dịch gây tác hai ghê gớm đến mức như thế".
Việc giá lợn hơi tăng cao, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn có nguyên nhân bị "thẩm thấu" qua Trung Quốc, nên người dân "găm" lợn chờ giá, do đó, đã khiến cho cung - cầu thiếu cục bộ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường cho hay, có một lượng lợn nhất định của Việt Nam đã được chuyển qua biên giới làm cho tâm lý chung là giá sẽ tăng. Qua kiểm tra cho thấy, một số đơn vị, một số hộ gia đình giữ đàn lợn để tăng trọng lượng cao hơn, thậm chí để chờ lợn lên đến 150 - 180kg/con mới bán. Vì thế, nguồn cung "giả tạo" thiếu.
Theo lý giải của đại diện Cục Chăn nuôi, giá lợn tăng đột biến trong thời gian ngắn vừa qua nguyên nhân không phải do thiếu nguồn cung bởi so với thời điểm khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, đến nay mới chỉ thiệt hại khoảng 8,5% tổng đàn lợn, với 5,8 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy, tương đương với 3,8 triệu tấn thịt lợn.
Giá lợn hơi cả nước hiện nay dao động từ 58.000 - 65.000 đồng/kg lợn mà vấn đề ở đây là do khâu lưu thông và thông tin về giá thịt lợn. Cụ thể, do thông tin chưa rõ ràng về nguồn cung chăn nuôi lợn tại từng địa phương nên gây tâm lý hoang mang dẫn đến người dân và thương lái nâng giá bán, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thu mua chụp giật càng đẩy giá lên cao. Cùng với đó là các hộ chăn nuôi lớn, vì ký kết với các công ty lớn bao tiêu nên thương lái không thể thu mua, đành phải mua ở các hộ nhỏ lẻ giá cao.
Giá lợn hơi trong nước vẫn tăng. (Ảnh minh họa: Tiền Phong)
Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - phân tích, cũng chính vì diễn biến phức tạp của giá lợn trong nước và dự báo tăng cao, mặc dù lợn đã đạt trọng lượng, nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn quyết giữ để chờ thêm giá dẫn đến tình trạng cầu vượt cung.
"Trước kia các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn nên không tiếp cận nguồn cung thịt lợn. Nguồn cung lợn chính bây giờ là ở các trang trại lớn, các công ty, hộ chăn nuôi lớn mà các hộ này thường bán theo xe, số lượng lớn. Thương lái không tiếp cận được nguồn đó thì bao nhiêu cũng phải mua, ở chiều ngược lại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại có tâm lý găm hàng và nếu bán thì giá rất cao. Trong khi đó thông tin báo chí đề cập đến giá cao cá biệt nên vô hình chung tạo hiệu ứng tăng đột biến", ông Dương nói./.