Có một thời, nghề lồng tiếng phim trở thành “công việc thời thượng”, vừa kiếm ra tiền, vừa có tiếng tăm. Chính vì lẽ đó mà vào những năm thập niên 80, 90 và đầu những năm 2000, rất nhiều nghệ sĩ gắn bó với công việc này như công việc chính.

Trong chương trình “Quán thanh xuân” mới đây, NSND Minh Hằng có tiết lộ, thời đó, ngoài công việc đóng phim, nhiều nghệ sĩ còn có nghề lồng tiếng cho các phim truyện nhựa, phim truyền hình và phim nước ngoài. Và nhờ công việc này mà các diễn viên có thu nhập rất tốt. Bản thân chị thậm chí còn mua được một căn nhà.

NSND Minh Hằng và NSND Hoàng Dũng trò chuyện trong "Quán thanh xuân".

Chia sẻ thêm với Dân trí, nữ nghệ sĩ cho biết, thời các bộ phim truyền hình dài tập của nước ngoài được Đài truyền hình Việt Nam nhập về phát sóng như: Oshin, Đơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc… chị đều tham gia lồng tiếng. Chính chị là người lồng tiếng nhân vật Ohsin (thời trưởng thành) trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản đã từng đi vào ký ức của nhiều thế hệ.

Ngoài ra, chị còn thường được giao lồng tiếng các nhân vật do cố NSND Phương Thanh, NSND Lê Khanh, NSƯT Thanh Quý nghệ sĩ Lê Vân… đảm nhận trong các phim truyện nhựa nổi tiếng.

“Tôi có may mắn toàn được giao lồng tiếng những “solist” của màn ảnh Việt thời đó. Nhiều bộ phim “mang chuông đi đánh xứ người” đoạt giải cao như “Trở về” của đạo Đặng Nhật Minh, “Tuổi mười bảy” của đạo diễn Xuân Sơn… cũng là tôi lồng tiếng vai chính. Có nhiều diễn viên ngoại hình rất đẹp, diễn xuất tốt nhưng tiếng nói của họ bị nhược điểm nên phải lồn tiếng. Có thể nói, cả tuổi thanh xuân của tôi ăn ngủ trong phòng lồng tiếng.

Tôi bây giờ già rồi nên giọng nói không được như trước, chứ ngày xưa tôi cũng được xem là một trong những giọng đẹp và bắt mic. Và ở tầm tuổi này mà mắt tôi kém hơn so với bạn bè cùng lứa cũng vì ngày xưa phải nhìn màn hình trong phòng thu quá nhiều”, NSND Minh Hằng tâm sự.

Tiết lộ thêm về công việc lồng tiếng thời đó, nghệ sĩ Minh Hằng cho biết, vì điều kiện ngày xưa thiếu thốn nên cả phòng thu chỉ có một cái mic duy nhất. Tất cả các vai chính, vai phụ, vai quần chúng đều phải đứng quanh mic đó. Nhiều khi, vai chính thu ổn rồi nhưng vai phụ chưa ổn là phải thu lại từ đầu.

Nghề lồng tiếng từng mang lại cho nghệ sĩ Minh Hằng một cuộc sống rủng rỉnh.

“Có những hôm phòng lồng tiếng chứa đến 30 người, vừa lồng cảnh quần chúng hỗn loạn ở phía sau, vừa lồng tiếng từng vai diễn. Cái này ai chứng kiến trực tiếp sẽ thấy thú vị vô cùng vì mỗi lần như thế vui lắm. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì bước vào thu bắt buộc phải tắt hết quạt điện. Và ngày xưa không phát tiếng thông như bây giờ mà thư ký phòng thu ghi con số ra một tờ giấy rồi si-lat mồm khớp với hình. Chúng tôi ngày xưa lồng tiếng không phải khớp đến tận răng nữa đâu mà khớp đến tận cuống gà ấy”.

Theo nghệ sĩ Minh Hằng, thời đó, các nghệ sĩ Tất Bình, Trọng Phan, Lan Hương, Bích Ngọc, Hương Dung, Hoàng Dũng… là những “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực lồng tiếng phim. Và chính nghệ sĩ Tất Bình, Trọng Phan… là những người dạy và truyền nghề cho thế hệ của chị.

“Diễn viên lồng tiếng là người thổi hồn lần thứ hai cho vai diễn. Vì tiếng nói khắc hoạ tính cách nhân vật, mang ngữ điệu của âm nhạc. Hầu hết các diễn viên tham gia lồng tiếng không những được nâng cao nghề mà còn có thu nhập tốt. Người diễn viên thổi được hồn mình vào nhân vật thành công thì tay nghề lên rất cao.

Hầu như các diễn viên đã thông qua lồng tiếng rồi khi quay về sân khấu hoặc diễn các thứ khác đều rất ổn về diễn xuất. Các diễn viên lồng tiếng nắm bắt tâm lý nhân vật tuyệt vời luôn. Bây giờ, làm phim toàn thu trực tiếp nên mấy năm trở lại đây không còn nghề lồng tiếng chứ ngày xưa các diễn viên kịch nói đi lồng tiếng nhiều lắm”, nghệ sĩ Minh Hằng cho biết thêm.

Đề cập đến chuyện thù lao của diễn viên lồng tiếng thời đó, nữ nghệ sĩ cho biết, thù lao lồng tiếng thời đó khá cao. Các nghệ sĩ tham gia lồng tiếng chính của các phim đều có thu nhập rất tốt. Thời đó, không phải trừ các khoản thuế nên mỗi lần nhận là nhận một cục tiền. Thường, diễn viên xứng đáng bao nhiêu, “bầu sô” sẽ trả bấy nhiêu.

NSND Hoàng Dũng và NSND Minh Hằng.

“Thù lao phim truyện nhựa trả theo phim, còn phim truyền hình hoặc phim nhập khẩu thì trả theo thời lượng. Tôi vì toàn lồng vai chính nên phim nào cũng được một mớ kha khá. Ngày xưa được chọn lồng tiếng là oách lắm, tiền tiêu rủng rỉnh, ăn diện thoải mái, mua sắm không tiếc tay... Mọi người cứ kêu ca không có tiền là không đúng đâu.

Một tháng lồng tiếng phim cũng giống như người ngày nào cũng có việc làm nên thu nhập ổn định. Ngày đó, chưa có ô tô nhưng cứ xe máy ra mới nhất tôi lại mua vì tiền có để làm gì đâu. Xuân Bắc còn đèo tôi đi mua xe máy cơ mà. Rồi tôi còn gom được vài trăm triệu xây nhà. Thời đó có trong tay vài trăm triệu là oách lắm, mơ ước của bao người chứ không phải chuyện bỡn. Vàng hồi đó có mấy chục nghìn một chỉ, tính ra một căn nhà cũng chỉ mấy trăm cây vàng thôi”, NSND Minh Hằng bộc bạch thêm.

/*Tiêu đề do Phapluatplus.vn đặt lại.

 Hà Tùng Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tình yêu còn lại

Sau 3 tập thơ: ‘Viết cho người tình mơ”, “Anh chờ qua trăng” và “Tình hoa”, tác giả Phạm Quốc Cường tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ thứ 4 mang tựa đề “Tình yêu còn lại”.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/long-tieng-oshin-maria-nsnd-minh-hang-kiem-hang-tram-cay-vang-d128993.html