Quảng cáo trái phép
Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Doanh nhân, ngày 20/11 mới đây, sản phẩm Mãnh Lực Khang mới được nhận được giấy phép quảng cáo do Cục An toàn Thực phẩm cấp. Nhưng thực tế, ngay từ khi đưa ra thị trường, sản phẩm này đã rầm rộ quảng cáo trên các mạng xã hội.
Mãnh Lực Khang, sản phẩm quảng cáo gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Không chỉ quảng cáo khi chưa được phép, sản phẩm này còn sử dụng rất nhiều chiêu trò để gửi đi thông điệp đây là một sản phẩm… thần kì. Đầu tiên là việc đưa nguyên liệu ngài tằm đực vào thành phần nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm Mãnh Lực Khang và khẳng định “đây cũng là lần đầu tiên một sản phẩm tăng cường sinh lực của Việt Nam bào chế được dựa trên ngài tằm đực”. Trong khi đó, trên bao bì của sản phẩm, lại không có bất kì nội dung nào thể hiện rằng sản phẩm này có nguyên liệu “quý giá” mà thông điệp quảng cáo đã nêu.
Tiếp đó là việc tạo dựng và mượn danh các nhà khoa học để khẳng định uy tín của sản phẩm.
Theo bài viết “PGS. TS 45 năm kinh nghiệm chia sẻ: Yếu sinh lý mà không nắm được bí kíp này thì phí công chữa trị” đăng trên trang tin manhluckhang.online có đề cập đến nhân vật “PGS. TS. Đại tá Nguyễn Trung Kiên – nguyên phó viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, giảng viên Học viện Quân y”. Tuy nhiên, trả lời phóng viên Thời báo Doanh nhân, PGS. TS Hồ Bá Do, Phó viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam xác nhận, suốt 10 năm lịch sử thành lập Viện, chưa hề có người nào là PGS. TS Nguyễn Trung Kiên đảm nhận chức danh Phó Viện trưởng viện này.
Bài viết trên cũng trích dẫn một đoạn clip phát sóng trên VTV8 phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Đại học Y Cần Thơ trao đổi về chứng bệnh yếu sinh lý. Nhưng xem hết cuộc cuộc trò chuyện cũng không thấy có bất kì thông tin nào liên quan đến sản phẩm Mãnh Lực Khang.
Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy, bài viết “PGS. TS 45 năm kinh nghiệm chia sẻ: Yếu sinh lý mà không nắm được bí kíp này thì phí công chữa trị” đang cố tình đưa thông tin kiểu mập mờ, nhằm mục đích đánh lừa người tiêu, mượn danh các nhà khoa học để tạo dựng uy tín cho sản phẩm.
Dường như cảm thấy những chiêu trò mà chúng tôi vừa liệt kê vẫn chưa đủ sức nặng để "đánh lừa" người tiêu dùng, Mãnh Lực Khang còn tự khẳng định là sản phẩm có tác dụng “điều trị” và “100% có hiệu quả ngay lần đầu” mặc dù bao bì sản phẩm vẫn ghi rõ, đây chỉ là một loại thực phẩm chức năng. Cần phải nhắc lại rằng, theo quy định, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nên các nhà sản xuất không được phép khẳng định tác dụng điều trị trong các thông điệp quảng cáo cho sản phẩm của mình.
Với một loạt các vi phạm kể trên, đơn vị quảng cáo sản phẩm Mãnh Lực Khang hoặc đang cố tình "phớt lờ" các quy định pháp luật, hoặc đang "đứng trên" pháp luật?
Mập mờ nguồn gốc xuất xứ
Theo thông tin trên bao bì sản phẩm, Công ty Cổ phần Pocolo là đơn vị chịu trách nhiệm quảng cáo cho sản phẩm “thần dược” này. Đây là một công ty không có website chính thức và cũng không có ngành nghề nào liên quan đến việc quảng cáo sản phẩm.
Cũng theo thông tin trên bao bì sản phẩm, Mãnh Lực Khang được sản xuất tại Công ty Cổ phần Truepharmco. Lạ một điều là dù là đơn vị có khả năng sản xuất ra một sản phẩm có công hiệu như… thần dược nhưng công ty này lại không hề có website chính thức. Tìm hiểu kỹ hơn về ngành nghề kinh doanh của công ty thì nhận thấy, dù hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng công ty này lại không hề đăng ký về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng hay dược phẩm.
Như vậy, với những thông tin quảng cáo biến sản phẩm Mãnh Lực Khang thành “thần dược”, liệu người tiêu dùng có thể tin tưởng sản phẩm không gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng sản phẩm?
Công hiệu thực sự của sản phẩm Mãnh Lực Khang đến đâu, chắc chắn mỗi độc giả đều đã có câu trả lời của riêng mình!
Trước sự việc này, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ thông tin.
Theo TBDN/GĐ&PL