Mùa lễ hội xuân 2024: Hà Nội - Điểm sáng an toàn, văn minh
Kinhte&Xahoi
Đến thời điểm này, những lễ hội lớn của cả nước đã diễn ra, mang đến không khí du xuân vui tươi cho người dân và du khách. Với sự chuẩn bị tốt của các địa phương, đặc biệt là Hà Nội - địa phương có số lượng lễ hội lớn nhất cả nước, mùa lễ hội xuân năm 2024 cơ bản diễn ra bình yên, an toàn, văn minh.
Đông đảo người dân tham gia lễ rước Vua Bà tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái
Tổ chức thành công hơn 400 lễ hội
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đến thời điểm này, có trên 400 lễ hội của Hà Nội đã được tổ chức. Cơ bản, các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui. Đặc biệt, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước.
Theo ghi nhận, công tác tổ chức lễ hội năm nay có nhiều nét mới. Ban tổ chức lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đã áp dụng hình thức bán vé điện tử, tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá. Việc đưa 2 điểm bán vé tại cổng vào các vị trí trong bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã làm giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông. Nhiều di tích tại quận Ba Đình như đền Voi Phục, đền Quán Thánh quản lý tiền công đức với hình thức nhận tiền qua mã QR. Huyện Mê Linh tổ chức khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng theo hình thức mới, điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh “Âm vang Mê Linh” sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho rằng, thành công của mùa lễ hội năm nay là sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như người dân khi thực hiện, triển khai. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó, yêu cầu việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan; tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc...
“Thành phố công khai “đường dây nóng” tiếp nhận thông tin của người dân và du khách. Đoàn kiểm tra đã nhanh chóng tiếp nhận, xác minh và xử lý những thông tin theo phản ánh. Một số lễ hội còn để tồn tại hình ảnh chưa đẹp đã được phát hiện, xử lý kịp thời”, bà Trần Thị Vân Anh thông tin.
Đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đình Thắng nhận định, Hà Nội là một trong những điểm sáng của cả nước. Cơ bản, các lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, bảo đảm không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân và du khách.
Giữ gìn nét đẹp đầu xuân
Lễ hội “Tế khai sắc, rước khai xuân” tại đền Voi Phục (quận Ba Đình).
Không chỉ riêng Hà Nội, đến nay, các địa phương có nhiều lễ hội như Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định... đã tổ chức những lễ hội lớn thành công, an toàn. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, lễ hội đền Trần diễn ra trong bình yên. Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy xin ấn của những năm trước gần như không còn, thay vào đó là hình ảnh người dự hội trang nghiêm, trật tự. Lễ hội phết Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ) 6 năm nay đã không còn tục cướp phết với hình ảnh tranh giành phản cảm. Lễ hội Lim (tỉnh Bắc Ninh) hấp dẫn không chỉ bởi những làn điệu quan họ, mà còn mang đến không gian đậm chất thơ, nhạc và các trò chơi dân gian thu hút du khách...
Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), để không gian lễ hội cả nước tổ chức đúng định hướng, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản về quản lý công tác lễ hội; trong đó phải kể đến Nghị định số 110/2018/NĐ-CP (ngày 29-8-2018) quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2068/QÐ-BVHTTDL (ngày 3-8-2023) ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương thông tin, trước mùa lễ hội, Cục đã có văn bản đề nghị một số địa phương giám sát chặt chẽ đối với lễ hội tập trung đông người. Ngoài ra, điểm mới trong công tác quản lý lễ hội năm nay là việc thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” với sự cam kết thực hiện của các địa phương. Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm.
Từ nay cho đến hết năm, cả nước sẽ còn nhiều lễ hội diễn ra, riêng tại Hà Nội còn 1.000 lễ hội. Do đó, công tác quản lý, tổ chức lễ hội tiếp tục phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm các lễ hội diễn ra đúng truyền thống, xử lý nghiêm hành vi trục lợi trong lễ hội. Ngoài ra, các địa phương phải tuyên truyền cho người dân và du khách ứng xử văn minh, giữ gìn nét đẹp trong các lễ hội.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, các địa phương trên địa bàn Hà Nội phải rà soát kỹ các lễ hội, xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể. Các đoàn kiểm tra, giám sát sẽ tăng cường thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng chưa đẹp, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, đúng quy định.
Hoàng Lân - Hà Nội mới