Nâng cao mức sống và thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

03/09/2022 21:06

Kinhte&Xahoi Thành phố Hà Nội hiện có 14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mường và Dao) sinh sống tập trung. Những năm qua, thành phố đã dành một nguồn lực không nhỏ để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đời sống đồng bào trên địa bàn thành phố không ngừng được nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt.

Đời sống kinh tế xã hội của người dân ngày càng được nâng cao

 Theo thống kê, thành phố hiện có 14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mường và Dao) sinh sống tập trung, trong đó huyện Ba Vì có 7 xã, huyện Thạch Thất có 3 xã, huyện Quốc Oai có 2 xã, huyện Chương Mỹ và huyện Mỹ Đức mỗi huyện có 1 xã.

Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt.

Điển hình là xã Ba Vì (huyện Ba Vì), nơi có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Khai thác thế mạnh địa phương, đồng bào dân tộc Dao nơi đây đã phát triển mạnh nghề thuốc Nam.

Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ba Vì thông tin: Toàn xã có trên 500 hộ thì hơn 300 hộ làm nghề thuốc Nam. Không chỉ phát triển nghề thuốc Nam theo quy mô hộ gia đình, người dân trong xã đã tập hợp, thành lập 9 hợp tác xã thuốc Nam, giúp nghề thuốc Nam phát triển bài bản hơn, mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Cụ thể, năm 2021, xã có thu nhập bình quân đạt 61 triệu đồng/người/năm, trong đó cả 3 thôn trong xã là Yên Sơn, Hợp Sơn, Hợp Nhất đều được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề thuốc Nam truyền thống.

Cuộc sống đồng bào các xã dân tộc miền núi đang đổi thay từng ngày nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và thành phố

Tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), nhiều đồng bào dân tộc đã trở thành những tấm gương tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó có nhiều hộ gia đình đi đầu về các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi trọc để tăng diện tích cây trồng.

Không ít hộ đồng bào dân tộc còn biết áp dụng mô hình kinh tế trang trại, không chỉ giúp gia đình xóa nghèo bền vững mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác trong xã thoát nghèo.

Tiêu biểu là hộ gia đình bà Bùi Thị Ngọc, phát triển trang trại tổng hợp, bà Ngọc nuôi lợn rừng, gà đồi, thả cá kết hợp trồng keo, các loại cây ăn quả như: Bưởi Diễn, đu đủ, rau xanh,... mỗi năm có thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động thời vụ (tùy từng thời điểm) tại địa phương.

Với cách làm bài bản, 14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã.

Đặc biệt, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn có hệ thống thủy lợi, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó trên 20% kênh mương của các xã được kiên cố hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, Internet đến thôn, bảo đảm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Cùng với đó, hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của con em đồng bào; Tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi; Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được đồng bào ủng hộ và thực hiện có hiệu quả...

Thu hẹp dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống

 Theo báo cáo của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.

Tiêu biểu như triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tính đến nay, Hà Nội đã bố trí 983 tỷ đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hà Nội đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Hà Nội đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 20%/năm; Đến năm 2025, cơ bản bằng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn ngoại thành của Thành phố; Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa 65%; Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa 86%-88%.

Bên cạnh đó, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; Duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia 80%-85%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 75%-80%; Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch từ các nguồn và tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy định; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 40% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Thành phố cũng sẽ đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với Nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; Giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó, 60% đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. 100% xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Hoàn thành các chỉ tiêu trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.

Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội nằm trong top 7 điểm tới dịp 2/9

Trang đặt phòng uy tín thế giới Booking.com đã bình chọn 7 điểm đến thú vị, hấp dẫn cho du khách trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Trong đó có Thủ đô Hà Nội, điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa.

Phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Sáng nay (31/8), Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” và các hoạt động hưởng ứng 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-muc-song-va-thu-nhap-cua-nguoi-dan-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-204873.html