Nếu xâm hại nhân phẩm thì văn hóa cũng cần thay đổi!
Kinhte&Xahoi
Cho đến giờ, nhiều người Việt vẫn cho rằng việc họ thể hiện tình yêu thương với một đứa trẻ bằng hành vi hôn hít, cưng nựng không có gì là sai trái và phạm luật cả, hay nói cách khác đó còn là một yếu tố văn hóa.
Hình minh họa
Quan điểm này đã “đi” cả vào buổi Hội thảo “Góp ý sổ tay cho lực lượng cảnh sát về nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em” do VKSNDTC phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC) tổ chức.
Trao đổi tại hội thảo, một cán bộ trong ngành Kiểm sát cho rằng nhiều hành vi được cho là xâm hại trẻ em có thể do yếu tố văn hóa của Việt Nam còn quá đậm. Ví dụ như các hành vi ôm hôn em bé phần lớn là thể hiện tình cảm yêu thương, nên cũng cần phải lưu ý những thói quen này trước khi đánh giá đây là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy nhiên, ngay sau ý kiến này, đại diện Văn phòng Liên Hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) đã nêu ngay lập tức ra hai ví dụ liên quan đến pháp luật của các quốc gia châu Á khác là Trung Quốc và Hàn Quốc đối với tội phạm xâm hại tình dục.
Câu chuyện thứ nhất: Một đoàn cán bộ đi công tác ở Trung Quốc. Tại sân bay, thấy một em bé dễ thương nên một vị trong đoàn đã chạy đến ôm hôn, khiến bé khóc ré lên. Ngay lập tức, an ninh tại sân bay có mặt và bắt giữ vị khách này về hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Câu chuyện thứ hai: Một đoàn cán bộ đi công tác đến Hàn Quốc. Tại đây, một người trong đoàn có hành vi sờ mông, sờ đùi một phụ nữ Hàn Quốc. Ngay sau đó, người này đã bị giữ lại và cơ quan công tố Hàn Quốc đã quyết định truy tố hành vi quấy rối tình dục.
Kể lại hai câu chuyện trên, đại diện của UNODC cho rằng về văn hóa Á Đông thì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có nền văn hóa sâu đậm không kém gì Việt Nam, nhưng họ đã thay đổi để bảo vệ tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em.
Từ câu chuyện trên có thể hiểu vì sau mà hành vi “nựng” của ông Nguyễn Hữu Linh đối với đứa trẻ trong thang máy lại bị cộng đồng lên án dữ dội như vậy. Hay nói như vị đại diện của UNODC: "Văn hóa không phải là yếu tố bất biến mà nó thay đổi nếu điều đó xâm hại đến nhân phẩm hay nhân quyền của con người. Việc thay đổi là cần thiết bởi trẻ em không thể tự bảo vệ mình, do đó luật pháp cần quy định rõ ràng để bảo vệ trẻ".
Được biết, trong tháng 6 này Ủy ban Quốc gia về trẻ em Việt Nam cho biết tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại 2 bộ, ngành và 7 tỉnh, thành phố. Cùng với việc kiểm tra, Bộ LĐ,TB&XH và Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiến hành thanh tra tại một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập của 3 tỉnh, thành phố.
Theo kế hoạch, việc kiểm tra, thanh tra sẽ tập trung vào việc thực hiện Luật Trẻ em, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em; đặc biệt là phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em phát sinh thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Qua đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về bảo đảm quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác trẻ em…
Theo Pháp luật Plus