Du lịch Việt Nam khởi sắc từ đầu 2023. (Ảnh minh họa)
Đón hơn 1 triệu khách quốc tế trong tháng 7
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa công bố số liệu về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, trong tháng 7/2023, cả nước đã đón hơn 1,038 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng 6 và là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2023, ngành Du lịch đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 7 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023 (8 triệu lượt).
Về khách nội địa, Cục Du lịch cho biết, tháng 7/2023 lượng khách đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Qua đó, đưa tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 416.600 tỷ đồng.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng qua với gần 1,9 triệu lượt (chiếm gần 1/3 lượng khách đến Việt Nam). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738.000 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 445.000 lượt. Trong tốp 10 thị trường hàng đầu về khách du lịch đến Việt Nam, khu vực Đông Bắc Á dẫn đầu với 4 thị trường: Hàn Quốc (1,888 triệu lượt), Trung Quốc (738.000 lượt), Đài Loan (415.000 lượt), Nhật Bản (284.000 lượt). Các nước Đông Nam Á có 3 thị trường lớn, gồm: Thái Lan (290.000 lượt), Malaysia (262.000 lượt), Campuchia (225.000 lượt). Australia xếp vị trí thứ 9 (221.000 lượt) và Ấn Độ xếp vị trí thứ 10 (213.000 lượt).
Đối với các thị trường khách châu Âu, thị trường gửi khách lớn nhất 7 tháng qua lần lượt là: Anh (147.5000 lượt), Pháp (120.800 lượt), Đức (111.800 lượt). Thị trường Nga đạt 69.900 lượt. Tính riêng tháng 7, khách từ thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam đều tăng so với tháng 6. Trong đó, Australia tăng 34,3%, Đài Loan (Trung Quốc) 31,3%, Nhật Bản 15%, Trung Quốc 14%, Mỹ 7% và Hàn Quốc tăng 6%.
Du lịch - động lực thúc đẩy tăng trưởng
Ngành Du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương. Tại TP HCM, thống kê trong 7 tháng qua, khách quốc tế đến TP HCM đạt hơn 2,3 triệu lượt, tăng 208,3% so với cùng kì năm 2022, đạt 47,2% so với kế hoạch. Không chỉ khách quốc tế, trong tháng 7/2023, khách du lịch nội địa đến TP ước đạt là 2.246.975 lượt, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2022; 7 tháng năm 2023 ước đạt 18.662.413 lượt, tăng 40% so cùng kỳ năm 2022, đạt 53,3% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu du lịch tháng 7/2023 của TP HCM ước đạt 12.760 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2022; 7 tháng năm 2023 ước đạt 93.593 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 58,5% so với kế hoạch năm 2023.
Theo Sở Du lịch TP HCM, một trong những đóng góp quan trọng vào thành quả đó là du lịch MICE kết hợp giữa du lịch với tổ chức hội thảo, sự kiện, đây là mảng có tốc độ hồi phục nhanh và chuyển mình mạnh mẽ thời gian qua. Nhằm tập trung phát triển du lịch MICE, thu hút các đoàn khách du lịch, bên cạnh việc ưu tiên cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các cơ sở lưu trú, Sở Du lịch TP HCM còn ban hành “Chính sách du lịch MICE TP.HCM” với nhiều điều kiện ưu đãi, chương trình đón tiếp nồng hậu.
Tại khu vực miền Trung, lĩnh vực dịch vụ - du lịch tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng với nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội đặc sắc và sản phẩm du lịch liên tục được tổ chức. 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch, đạt 83% kế hoạch năm 2023, vượt thời điểm trước dịch và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, lữ hành cũng tăng gấp đôi. Tại Thừa Thiên Huế, du lịch địa phương này cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt khoảng hơn 1.640.185 lượt, trong đó khách nội địa đạt khoảng 1.072.969 lượt, khách quốc tế đạt khoảng 567.216 lượt. Khách lưu trú khoảng 845.892 lượt. Tổng thu từ du lịch 6 tháng ước đạt khoảng 3.494 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mỗi năm ngành Du lịch cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hằng năm, các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên, tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch và gần một nửa không có ngoại ngữ...
Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong thang năng lực quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành Du lịch và khách sạn còn thấp. Cụ thể năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 Malaysia. Do đó, nhân lực trong nước có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại sân nhà bởi lao động du lịch từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam làm việc khá nhiều. Do vậy, rất cần nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
H. Thương - Pháp luật Plus