Ngành Y tế phía Nam phối hợp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng
Kinhte&Xahoi
Ngày 20-10, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn và hướng phối hợp của ngành Y tế phía Nam trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Diễn tiến bệnh tay chân miệng theo tuần tại khu vực phía Nam năm 2023 và trung bình 5 năm (Nguồn: Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh).
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tuần 41 của năm 2023 (từ ngày 9 đến 15-10), số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tăng với 1.715 ca bệnh được ghi nhận. Các quận, huyện có số ca mắc cao trên 100.000 dân gồm: Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh.
Trong tuần 41, thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 465 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 11,2% so với trung bình 4 tuần trước (418 ca). Các quận có số ca mắc trên 100.000 dân gồm: 1, 8 và Bình Thạnh.
Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, lãnh đạo Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm và đại diện các bệnh viện sản nhi, chuyên khoa nhi đã họp bàn về công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm, nhằm đánh giá tình hình các dịch bệnh đang lưu hành trong 9 tháng của năm 2023; thống nhất các giải pháp phối hợp thực hiện trong công tác điều trị và kiểm soát dịch bệnh tại khu vực phía Nam.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn vùng có 18 ca tử vong do SXH (gồm 1 ca ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, số ca bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng nhẹ từ tuần 24 đến nay, vào thời điểm thời tiết nắng nóng xen kẽ các đợt mưa nhiều… Đây là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng muỗi truyền bệnh SXH. Phân bố các tuýp vi rút đa số vẫn là D2.
Về bệnh TCM, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ mắc mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân, số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, về các trường hợp nặng và tử vong thì tại các tỉnh miền Tây lại chiếm tỉ lệ phần lớn (với 81%).
Đáng chú ý, bệnh nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (chiếm 77%). Từ đầu năm đến nay, toàn vùng ghi nhận 23 trường hợp tử vong do TCM. Tác nhân chủ yếu gây bệnh này được xác định là vi rút EV71.
Về công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm 9 tháng qua, các đại biểu thống nhất đánh giá cơ bản được đảm bảo, các địa phương có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân và đã chủ động trong bảo đảm nguồn cung ứng thuốc điều trị người bệnh...
Thu Hoài - Tùng Lâm - Hà Nội mới