Tháng 10 ở huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) nếu không nói quá là như một bức tranh vẽ nhiệm màu về miền quê bình yên, hình ảnh về cuộc sống lao động của những con người vùng cao chịu thương, chịu khó được hiện lên đẹp đến lạ thường.
Những ngày này, lang thang trải nghiệm bằng xe máy là cảm giác đặc biệt thú vị, buổi sáng sớm đi từ QL2 xã Tân Quang ngược lên lối huyện Hoàng Su Phì trên những cung đường vòng vèo vào loại nhất của mảnh đất địa đầu, du khách sẽ được ngắm cảnh những đám mây vờn ôm lấy núi, mờ ảo từng lớp như thiên đường mây hiện lên trước mắt.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Ở Hoàng Su Phì mùa này, ngoài ngắm mây ở đỉnh Chiêu Lầu Thi huyền diệu, mỗi người khi đến đây còn được ngắm cảnh ruộng bậc thang đang mùa vàng rộ, óng ánh uống lượn. Với 1.380ha ruộng bậc thang tại 11 xã, gồm: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa đã Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia. Đây là hệ thống ruộng bậc thang đẹp nhất từ lâu đã được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến.
Những cao tuổi tại vùng đất này cho biết, hình thức canh tác trên ruộng bậc thang đã xuất hiện ở Hoàng Su Phì từ rất lâu, ban đầu việc khai phá để làm ruộng bậc thang ít do rừng còn nhiều; dần dà, việc canh tác nương rẫy không còn thuận lợi do rừng ngày một ít, đất bạc màu nên đồng bào chuyển dần sang canh tác ruộng bậc thang. Hiện nay, việc gieo cấy trên ruộng bậc thang đã là hình thức chính trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào nơi đây.
Những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp hiếm thấy ở bất kỳ nơi đâu được hình thành từ những đôi tay cần cù, từ thế hệ này nối thế hệ khác, canh tác và gìn giữ. Từ đó, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật trong các khâu khai phá, tạo mặt bằng, đắp bờ, ngăn giữ nước...
Lái xe theo các con đường liên thôn uốn lượn và ngắm những thửa ruộng bậc thang hiện ra mênh mông và trải dài ra khắp các sườn đồi, bên những dòng suối và ngắm những cô gái người Dao bắt cá chép ruộng là một trải nghiệm khó quên. Bà Lý Mùi Liều (ở xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì) bảo, ở đây mùa đông không có nước để canh tác, do đó người dân chỉ trồng một vụ lúa, công việc chuẩn bị vào vụ thường gấp gáp do diện tích canh tác ruộng bậc thang của các hộ gia đình cũng nhiều nên phải đổi công mới làm kịp, kể cả mùa gặt cũng thế.
Chị Lý Mùi Sai (ở xã Nậm Ty) cho biết: “Gia đình mình năm nay thả hơn 700 con cá chép giống, khoảng 3 tháng sau khi chuẩn bị thu hoạch lúa, gia đình mới thả nước để bắt cá. Năm nay thu được khoảng gần 30kg cá, nhà mình tổ chức 4 mâm cơm để mừng lúa mới và mời mọi người đến ăn cơm cùng”.
Với người Nùng, người Dao ở mảnh đất tôn thờ vua Hoàng Vần Thùng này, lối sống cộng đồng còn được thể hiện ở cả việc thu hoạch chè hàng năm. Những cây chè cổ thụ có tuổi thọ cả trăm tuổi mỗi lần thu hoạch là huy động đến cả chục người trong xóm đến đổi công hái. Cũng nhờ cây chè mà cuộc sống của đồng bào vùng cao ngày càng khởi sắc.
Thiếu nữ người Dao ở xã Nậm Ty thu hoạch cá chép ruộng.
Ông Thèn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Hiện huyện đã có 3 xã đã đạt tiêu chí Nông thôn mới, các xã có ruộng bậc thang như: Nậm Ty (chỉ còn 27 hộ nghèo, tỉ lệ 4,57%); Hồ Thầu (nay còn 46 hộ nghèo, tỉ lệ 10,41%); Thông Nguyên (còn 28 hồ nghèo, chiếm 3,39%)”. Nhờ những chính sách đúng đắn cuả chính quyền sở tại, cuộc sống của người dân ở miền dẻo cao này đang ngày một khởi sắc. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện đang giảm đi trông thấy.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho hay: “Năm nay là năm đầu tiên Hà Giang ứng dụng công nghệ số để giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; văn hóa trà và sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang nhằm kết nối chuỗi các sự kiện truyền thông về văn hóa, đất và người Hà Giang tới du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch, tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương phát triển kinh tế xã hội. Ứng dụng chuyển đổi số trên các lĩnh vực Văn hoá, Thể thao, Du lịch. Đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu mảnh đất văn hoá, con người HG, sẵn sàng cho việc đón khách du lịch trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đảm bảo HG là điểm đến an toàn- bản sắc- thân thiện”.
|
Phàn Giào Họ- Pháp luật Plus