Nghệ sỹ trẻ Nương Chiều: Đau đáu với cây đàn bầu
Kinhte&Xahoi
Là một nghệ sỹ làm việc tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nguyễn Nương Chiều từ lâu mong muốn nhiều người biết đến và yêu cây đàn đặc biệt của dân tộc.
Đàn bầu, còn gọi là độc huyền cầm (đàn chỉ có một dây duy nhất) - cây đàn độc đáo của Việt Nam từ lâu được nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài rất ưa thích, bởi có âm sắc rất gần với giọng người, có khả năng diễn tả mọi ngóc ngách tâm tư, tình cảm của con người, lại có sức quyến rũ đặc biệt. Bởi vậy, cổ nhân mới khuyến cáo: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Ý các cụ xưa muốn răn con gái chớ nên nghe đàn bầu vì dễ mê mẩn, không còn tỉnh táo, chẳng khác gì vấp phải “bùa mê, thuốc lú”.
Chìm đắm vào thế giới âm thanh do đàn bầu tạo ra chính là cách thư giãn tinh thần bổ ích, có lợi cho sức khoẻ và làm giàu có đời sống nội tâm, thậm chí đó là cách trị liệu tuyệt vời cho những stress, căng thẳng, khủng hoảng... hơn rất nhiều so với thứ vô bổ, thậm chí rất có hại là các trò chơi điện tử được nhiều người, nhất là giới trẻ đang tìm đến, lao vào như hiện nay.
|
Nữ nghệ sỹ Nguyễn Nương Chiều.
|
Nữ nghệ sĩ trẻ Nguyễn Nương Chiều xuất phát từ thực tế của bản thân mình để khẳng định sức mạnh tinh thần từ cây đàn mang lại. Ở tuổi 22, tốt nghiệp khoa đàn bầu chính quy, bài bản ở Nhạc viện Hà Nội với điểm 10 tuyệt đối, được nhiều thầy cô là những nghệ sỹ đã nổi tiếng khi đó khen ngợi, kỳ vọng nhiều ở ngón đàn của chị, nhưng Nguyễn Nương Chiều sau khi được Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận về, vì những lý do rất tế nhị, chị đã không được chơi đàn bầu trong dàn nhạc mà phải đánh cây đàn khác. Nhưng chị không buồn phiền nhiều về nhân tình thế thái bởi trong chị đàn bầu như tình yêu, như tri kỷ mà chị vẫn không thể thiếu hàng ngày. Đêm đêm chị vẫn bầu bạn, tâm tình, thổn thức cùng cả nụ cười và những giọt nước mắt.
Có những đoạn đời chị không được khoẻ cả tinh thần lẫn thể xác. Đó là những ngày tháng Nương Chiều như rơi vào khủng hoảng không lối thoát nhưng chị vẫn còn cây đàn bầu với những ngón đàn nguyên vẹn sự tinh tế, điêu luyện do các thầy truyền dạy, chị thấy không thể cứ ngụp lặn mãi trong buồn phiền, phải tự vươn dậy, chiến thắng hoàn cảnh. Rất mừng là nhiều nơi biết được tay đàn của chị đã mời chị thu thanh cho những chương trình khác, không phải của Đoàn ca nhạc, như “Tiếng thơ” chẳng hạn. Chị chỉ không đánh đàn bầu trong các buổi dàn dựng chương trình của Đoàn ca nhạc, nhưng vẫn thường xuyên sử dụng nó mà không “gác xó” nên tay nghề vẫn nâng cao và ngọn lửa tình yêu với cây đàn vẫn được duy trì, còn bốc cao hơn.
Nguyễn Nương Chiều thấy đàn bầu dễ đánh nếu được hướng dẫn tỷ mỷ, lại có giá rẻ hơn nhiều so với các loại nhạc cụ phương Tây khác (violon, cello, piano, các loại kèn…) nên bất cứ ai, chỉ cần yêu thích là có thể đến được với cây đàn này và chinh phục được nó. Vậy nên chị nghĩ tới việc tổ chức lớp dạy đàn tại nhà.
Để thu hút được nhiều người tham gia, chị dạy miễn phí. Đầu tiên là một số sinh viên của hai trường đại học Ngoại giao, Ngoại thương và những cán bộ của hai trường này đã ra trường. Họ thường xuyên đi công tác ở nước ngoài nên cần biết chơi một thứ đàn dân tộc trong các buổi giao lưu với bè bạn quốc tế. Quả là đàn bầu đã đáp ứng đúng nhu cầu này. Từ chỗ ban đầu thấy ít nhiều tự ty khi các đồng nghiệp nước khác có nhiều đóng góp mà mình chỉ biết xem họ đến chỗ biết đánh đàn bầu, khoe được cây đàn độc đáo của dân tộc mình. Số học viên này hồi âm lại với Nương Chiều khiến chị thấy rất hạnh phúc, càng thôi thúc chị đưa cây đàn đến với đông đảo cộng đồng hơn.
Thế rồi tiếng lành đồn xa, rằng có một nghệ sỹ chuyên nghiệp chơi đàn bầu rất hay, lại dạy miễn phí rất nhiệt tình nên về sau, nhiều đối tượng khác tìm đến học, trong đó có không ít trẻ em (từ 7 tuổi trở lên). Tuy bận rộn vì một tuần có nhiều buổi dạy như thế, lại vẫn phải cáng đáng chức phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ trong gia đình nhưng Nương Chiều rất vui. Chị luôn chật kín hết thời gian trong tuần nhưng lại đầy năng lượng khi được giảng dạy, được chia sẻ cùng học viên của mình.
Dần dần, sau một thời gian mở lớp dạy như trên, chị thấy xảy ra tình trạng: Nhiều người học hành chểnh mảng, đã bỏ dở giữa chừng, không biết quý trọng từng giờ phút chị dạy do không mất tiền. Chị bèn quyết định thu học phí. Tất nhiên với mức độ vừa phải để ai cũng có thể theo học. Chị tuyên bố chỉ thu tiền năm đầu, còn sau đó ai tiếp tục, sẽ dậy miễn phí cả đời nếu người học theo đuổi. Cái gì phải mất tiền mới có được thì người ta sẽ biết trân trọng, quý hóa hơn. Khi học viên đến học đàn bầu, chị dạy luôn cả nhạc lý cơ bản, ký xướng âm và tặng luôn khoá học những buổi dạy hát dân ca.
Cứ đến dịp hè hàng năm, chị lại đều đặn mở lớp dạy hát dân ca miễn phí cho trẻ em được cha mẹ và các thiên thần nhỏ rất thích thú. Nhiều người thấy chị quá tận tuỵ đã đề nghị chị nâng học phí hoặc đề nghị được đóng phí vì "thấy cô mất sức cho các con nhiều quá!". Nhưng Nương Chiều không đáp ứng yêu cầu của họ bởi chị dạy đàn không phải vì tiền mà vì mong mỏi có nhiều người tìm được nguồn hạnh phúc tự thân, những bình an từ sâu thẳm bên trong và thế giới tâm hồn trở nên giàu có. Và cả tình yêu với cây đàn nữa. Chị muốn quảng bá cây đàn độc đáo của dân tộc với bạn bè khắp năm châu.
Yêu đàn bầu, luôn trăn trở và nhiệt huyết nên dù ở đâu có người yêu đàn bầu muốn học nhưng do hoàn cảnh không đi lại được, nếu thu xếp được thời gian, chị sẵn sàng đến tận nơi để truyền dạy cho họ.
Khi tôi có ý muốn giới thiệu hoạt động rất nhân văn của Nguyễn Nương Chiều, lúc đầu chị tỏ rõ sự ngần ngại vì không muốn mọi người hiểu lầm là quảng cáo vì sự thực hiện nay chị không còn thời gian để mở thêm lớp do số học viên luôn nhiều. Chị chỉ dạy những ai thực sự ham thích, có ý thức trân trọng cây đàn của dân tộc. Chị từng từ chối người đến yêu cầu chị chỉ dạy họ đánh một số bài hát có thị hiếu thẩm mỹ tầm thường mặc dù họ trả tiền công cao. Điều đó làm một nghệ sỹ chân chính như chị cảm thấy bị tổn thương. Ở khóa học đàn bầu, chị cũng muốn hướng cho học viên có được gu thẩm mỹ cao trong âm nhạc. Vậy nên chị cũng kết hợp bồi dưỡng cho họ cách cảm thụ một tác phẩm âm nhạc.
Khi tôi hỏi “ngoài việc muốn nhiều người tìm đến cây đàn dân tộc, chị còn có trăn trở nào nữa không” thì Nương Chiều cho biết: Chị mơ ước có một dàn đàn bầu hàng trăm cây cùng diễn tấu, có thể chơi tác phẩm của Việt Nam, có thể của thế giới ở những nơi phù hợp nhất để đàn bầu sẽ đi đến khắp nơi, mọi đối tượng thưởng thức. Chị mong các học viên của chị luôn tràn đầy niềm tin vào bản thân - rằng họ - chứ không phải ai khác - sẽ quyết định cuộc đời mình như thế nào. Họ sẽ cùng chị luôn tràn ngập tình yêu và năng lượng.
Giờ đây, nếu ai có dịp ghé qua nhà riêng của nghệ sỹ Nương Chiều ở số 3, ngõ 378, đường Lê Duẩn, Hà Nội (gần công viên Thống Nhất) sẽ thường xuyên thấy vang lên tiếng đàn bầu của các học viên đến học. Riêng các em và các bạn thanh niên trẻ, chị còn kết hợp dạy các bài hát hay để nâng cao thêm khả năng thẩm âm, rèn tai tốt hơn cho họ.
Nương Chiều còn có giọng hát hay, truyền cảm, lôi cuốn người nghe. Học sinh học đàn bầu của chị còn luôn được nghe chị hát, càng tăng thêm hứng thú cho mỗi buổi học.
Số điện thoại của chị là 0932354035 nhưng nếu bạn liên hệ mà không thấy chị bấm máy thì xin hãy kiên trì vì chị tập trung cho việc dạy đàn, sao nhãng điện thoại.
Một nữ nghệ sỹ mảnh mai, dịu dàng, khá yểu điệu thục nữ, rất nghệ sỹ, hoà đồng, vui vẻ, luôn gây cho người tiếp xúc cảm giác thân thiện, được chia sẻ, hết mình trong lao động nghệ thuật và tận tuỵ với học viên là những nét tính cách nổi rõ ở người nữ nghệ sỹ đàn bầu có cái tên thật độc đáo và dễ thương: Nguyễn Nương Chiều.
Theo KD&PL