Nghệ thuật xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Kinhte&Xahoi
Chiều 15/12, Di sản nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vào 17h11 phút ngày 15/12, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris, Pháp, di sản Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong 48 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.
Kỳ họp thứ 16 theo hình thức trực tuyến diễn ra từ ngày 13 - 18/12/2021. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cùng đại diện lãnh đạo 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái tham dự cuộc họp tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nghệ thuật xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Xòe là một loại hình vũ đạo của người Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống, và công việc. Trung tâm của xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và TP Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có 3 loại xòe: Xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng, như: Xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy và xòe hoa.
Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Các động tác múa cơ bản của xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau. Mặc dù các động tác múa đơn giản nhưng biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng.
Nghệ thuật xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái.
Xòe được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam đáp ứng nhiều tiêu chí để ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cộng đồng thực hành Nghệ thuật xòe Thái, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, đại diện cộng đồng và chính quyền các cấp đã phát biểu đáp từ và cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của Nghệ thuật xòe Thái, cảm ơn Hội đồng thẩm định, các thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ, Ban thư ký đã làm việc tận tình để ghi danh di sản này của Việt Nam.
Hương Thu - TTTĐ