Sẻ chia khó khăn
Những ngày qua, công tác tổ chức trao tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội được triển khai đồng bộ. Công tác này còn trở nên đặc biệt ý nghĩa khi sự sẻ chia khó khăn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời trong bối cảnh người dân Thủ đô và cả nước cùng hướng về kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5).
Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến (thứ 5 từ trái sang) trao hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đ.Luyện
Ghi nhận thực tế cho thấy, để thống kê, rà soát các đối tượng thuộc diện thụ hưởng một cách chính xác, kịp thời, các cấp ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã vào cuộc nhanh chóng và đầy tinh thần trách nhiệm. Thị xã Sơn Tây là ví dụ. Với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ cán bộ thị xã và các xã, phường đã tích cực thu thập thông tin, rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng cụ thể.
Các cán bộ cơ sở đóng vai trò như những khảo sát viên, đến từng hộ gia đình, hỏi từng người dân để lấy thông tin và lập danh sách những người nằm trong diện được hỗ trợ. Nhóm đối tượng khác nhau bị ảnh hưởng do dịch bệnh được phân loại chi tiết như: Đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng; đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trên địa bàn… Nhờ những nỗ lực tích cực không ngơi nghỉ, nhiều người dân thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thị xã đã phấn khởi khi nhanh chóng đón nhận số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội.
Tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường Sơn Lộc, nhiều người có công và thân nhân người có công, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội có mặt từ sớm. Ai nấy tỏ ra háo hức bởi họ được hỗ trợ sau quãng thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài việc được hỗ trợ 3 tháng (4, 5, 6/2020) do ảnh hưởng của dịch, người dân cũng đã nhận được chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định cho tháng 4, 5/2020.
Bà Nguyễn Thị Ngát ở Tổ dân phố 5 là một bệnh binh nặng, lại là vợ liệt sĩ. Ngay khi được phường thông báo, bà đã sắp xếp công việc, đạp xe đến trụ sở để nhận tiền. Với số tiền này, gia đình bà có thể sử dụng cho nhiều khoản chi tiêu sắp tới. Được biết, không chỉ ở phường Sơn Lộc, thời gian tới các xã, phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục rà soát đối tượng lao động tự do, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động để báo cáo Thành phố và thị xã, phấn đấu để các đối tượng được nhận hỗ trợ trong thời gian sớm nhất, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Còn tại huyện Phú Xuyên, qua rà soát, đợt này huyện Phú Xuyên chi trả, hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng cho khoảng 29.000 đối tượng. Phương châm khách quan, công khai, minh bạch được huyện Phú Xuyên đặt ưu tiên hàng đầu. Tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố danh sách các đối tượng hưởng hỗ trợ được thông báo và niêm yết công khai, minh bạch. Ngoài ra, danh sách này còn được thông báo thường xuyên trên hệ thống Đài truyền thanh huyện.
Đón nhận số tiền từ gói an sinh xã hội, ông Hoàng Quang Huy (Tiểu khu Đại Nam, thị trấn Phú Xuyên) xúc động chia sẻ, trong cuộc sống thường nhật, gia đình ông luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, đoàn thể. Cá nhân ông còn cảm động hơn, khi được nhận số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Số tiền được huyện, xã chi trả nhanh chóng là món quà tri ân đặc biệt nhất, đáng nhớ nhất.
Ngoài thị xã Sơn Tây, huyện Phú Xuyên, các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai… công tác rà soát, trao hỗ trợ được thực hiện đồng bộ và hiện cơ bản chi trả xong gói an sinh Covid-19 cho một số nhóm đối tượng. Điểm đáng ghi nhận nữa là trong quá trình chi trả, việc thực hiện các quy định phòng dịch Covid-19 vẫn được chú trọng. Người đến nhận hỗ trợ được cán bộ phường đo thân nhiệt, hướng dẫn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và ngồi giãn cách trong quá trình chờ tới lượt làm thủ tục.
Chung tay làm điều thiện
Thực tế cho thấy, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra, ở Hà Nội trên quy mô rộng, các cấp, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã nhanh chóng vào cuộc. Có thể nói, cả hệ thống chính trị đều chung tay với các hoạt động ủng hộ thiết thực. Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội là ví dụ. Ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, nắm bắt tình hình khó khăn, Công đoàn ngành đã tổ chức rà soát những trường hợp người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, từ đó có hỗ trợ kịp thời. Tại các đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành, nhiều hỗ trợ như: Tặng phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, hỗ trợ tiền, gạo… đã và đang được đồng bộ triển khai.
Thời gian qua tinh thần “tương thân, tương ái” được lan tỏa mạnh mẽ. Ảnh: Đ.Luyện
Sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Không khó để thấy những hoạt động thiện nguyện qua dòng chữ: “Ai cần cứ đến lấy...”, “Nếu khó khăn hãy nhận một phần thực phẩm mỗi ngày/Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”... xuất hiện ở nhiều nơi. Những “siêu thị 0 đồng”, “cây ATM gạo”, suất ăn miễn phí... nối tiếp nhau xuất hiện ở Thủ đô.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nhận định, việc Nhà nước, chính quyền nỗ lực vào cuộc giải quyết các vấn đề an sinh cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đầy rẫy khó khăn này là những hành động, quyết sách rất kịp thời và đầy tính nhân văn. “Những gói cứu trợ an sinh, cây ATM gạo… thể hiện cho việc chúng ta đã huy động được tổng lực cả xã hội cùng vào cuộc” - PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Rõ ràng, có mặt kịp thời lúc người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cần, trao cho họ món quà ấm áp nghĩa tình là những việc làm thấm đượm tinh thần tương thân, tương ái mà các cấp của thành phố Hà Nội đã làm được trong những ngày qua. Những việc làm này đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, giúp nhân lên nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Qua đó không chỉ tạo niềm tin, cổ vũ sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô chung sức phòng, chống dịch mà còn là sức mạnh để thành phố vươn lên sau đại dịch, đưa cuộc sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, dịch bệnh đang tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống, gói hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai kịp thời đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều này khiến mỗi người dân càng thêm tin tưởng, từ đó đoàn kết, quyết tâm hơn, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong phòng, chống và chiến thắng dịch Covid-19. Tại Hà Nội, sự kịp thời, tận tình, chu đáo của các cấp, ngành chức năng trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ đã khiến những người dân đặc biệt vui mừng và xúc động. Quá trình triển khai gói an sinh bảo đảm công khai, minh bạch đã mang tới sự yên tâm, củng cố lòng tin tuyệt đối của nhân dân với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quyết sách của Hà Nội.
|