Người lớn cô đơn, tự mình trong bao nghĩ suy
Tôi thích cảm giác ngồi một mình trên xe bus, đi hết một quãng đường xa nhất, nghe bản nhạc vô tình làm trái tim thổn thức, cảm thấy cuộc đời bớt chông chênh như lúc lái xe đi làm. 30 tuổi, đôi khi người ta tự vận là cái tuổi ổn định, thì tôi tìm kiếm sự cô đơn. Nhiều khi không hiểu tại sao có con người tồn tại, tại sao lại phải tồn tại… cứ quanh quẩn hết một kiếp người.
Quá nhiều cảm xúc cho những ngày 30, khi tôi nhớ về những ngày còn trẻ, những năm đầu sinh viên đi học trời mùa đông hiu quạnh trên chiếc xe bus, bật bản nhạc đeo tai nghe và nhìn ra cửa sổ với bầu trời ảm đạm thì thật buồn và đáng trân trọng khoảng thời gian này. Đó là giai đoạn chúng ta học cách để trưởng thành, từ một cậu thanh niên đôi mươi đến một người đàn ông gồng gánh trách nhiệm. Khi chúng ta lớn, chúng ta già, chúng ta lại càng khao khát những ngày còn trẻ, còn bé. Và khi tôi 30, tôi lại khao khát trở về những ngày 20 ấy.
Hôm nay, tôi đi làm bằng xe bus. Ra ngoài trằn trọc sau một đêm mất ngủ vì công việc, thế là tôi chẳng còn gì trong tay. Cuộc sống chập chững 30 nó hằn học lên tôi nhiều lắm. Tôi chẳng thèm soi gương, cạo râu như ngày còn trẻ, vội vã đi làm và trở về, cứ quanh quẩn rồi cũng hết một ngày dài. Tôi nhớ lại những ngày mình bắt đầu, khi có nhiều nhiệt huyết đam mê để tôi mơ về một tương lai mới mẻ. Hồi ấy là tuổi trẻ, mơ mộng, hoài bão và nhiều ước ao.
Giữa chuyến xe bus chật người buổi sớm, tự dưng có chút cô đơn. Lòng chênh vênh nhẹ, không còn vững chãi sương gió như người ta nghĩ ở cái tuổi phải chững chạc, trưởng thành. Phải rồi, ở một mình không sợ cô đơn. Đáng sợ nhất là cô đơn giữa đường phố đông người.
Tôi đã bỏ lỡ nhiều hương vị của tình yêu. Khi bạn bè đã lũ lượt lấy vợ, lấy chồng, con bồng bế trên tay thì tôi vẫn là một thanh niên đang già theo năm tháng. Ở cái tuổi 30, nó thật sự đáng sợ. Chông chênh về mọi thứ, còn chưa nếm được hỷ, nộ của tình yêu thì đã vội qua những ngày đẹp nhất. Một “thanh niên” già đang ở giai đoạn có lẽ khắc nghiệt nhất khi chưa có gì trong tay.
Vì tôi hôm nay cô đơn giữa đời trôi!
Người ta nói càng trưởng thành càng cô đơn, có lẽ đúng khi tôi dần cảm nhận sự đơn độc của mình. Hay nói cách khác, cô đơn là cái giá của trưởng thành. Sẽ có khoảng thời gian bạn đơn độc nhất, trống vắng nhất, cũng là thời gian bạn “lớn lên” nhiều nhất. Từ một cậu thanh niên ngày nào, người ta gọi nhau là những kẻ đàn ông trưởng thành, học cách trách nhiệm, học cách kỳ vọng và học cả cách chịu đựng.
À, mà đàn ông trưởng thành là phải thành đạt, chín chắn, xã hội kỳ vọng vậy. Còn bạn? Bạn thì sao?
Tiếng nhạc da diết vang lên bên tai tôi, lạnh lùng đánh thẳng vào suy nghĩ hỗn độn trong đầu. Tôi đã lớn? Tôi đã biết cô đơn?
Tự dưng tôi lại tự hỏi, liệu 30 đã phải là già? 30 đã trưởng thành hay chưa? Hình như tôi lớn rồi.
Một đứa lớn đầu, sống một mình ở thành phố 8 triệu người, bỗng thấy nó chật vật và lạc lõng đến cùng cực. Giữa thành phố tưởng chừng rộng lớn ấy, tôi có cô đơn không nhỉ? Hình như là có cô đơn.
Tan tầm giờ nào cũng vội, mỗi người lớn ở thành phố, chất chứa những câu chuyện riêng. Tôi mang trong mình cái vị thấm đắng của tuổi 30 cận kề. Nhìn lại, vẫn là đứa đơn độc, chạy miệt mài trên con đường vô định mà ai cũng đã từng chạy. Nhưng, người ta nói, càng trưởng thành càng cô đơn!
Cô đơn là một thứ cảm xúc rất dài. Càng lớn, chúng ta càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn thì phải. Một bài hát buồn cũng khiến ta cô đơn. Một khung cảnh buồn của Hà Nội cũng khiến ta cô đơn. Ta đổ lỗi rất nhiều cho những thứ mà đáng lẽ ra không hề thuộc về sự cô đơn của chính mình.
Tiếng nhạc bỗng ngừng lại, im bặt trong tiếng điện thoại của mẹ:
- Tuần này con có về nhà không, lâu lắm rồi mà không thấy mày về, bận lắm hả con?
- Dạ, con bận việc nên không về được.
- Tối thế này đã nấu cơm ăn cơm chưa? Mày ở dưới đấy một mình thì phải nhớ ăn uống cho đầy đủ vào, đừng chỉ lo cắm đầu vào làm nghe chưa?
Tiếng mẹ trầm khàn, ấm áp như đang đứng cạnh ngay bên tôi. Tôi rơi nước mắt, sự gồng gánh bấy lâu khiến tôi mệt nhoài. Chỉ nghe thấy tiếng mẹ thôi mà tôi cũng khóc, cái khóc của một đứa dù ra xã hội đã trưởng thành, nhưng bên cạnh mẹ tôi vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào. Thì ra tôi không cô đơn. Không một chút nào cả, chỉ là tôi tưởng tượng ra mà thôi.
- Dạ, con biết rồi mẹ.
Tiếng tút tút dài, tôi biết mẹ đã tắt máy. Tôi không dám cho mẹ nghe tiếng thở dài, tôi sợ mẹ lo. Sẽ cũng là khoảng thời gian chúng ta học cách trưởng thành, chấp nhận trưởng thành và chênh vênh nhiều đến thế!