Nhà nhà đón Tết an bình

10/02/2021 08:07

Kinhte&Xahoi Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khá đặc biệt, bởi những ca lây nhiễm dịch Covid-19 tại cộng đồng xuất hiện ở một số địa phương, khiến các cấp, ngành bộn bề việc hơn so với nhiều năm trước. Các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực để hoàn thành cả hai nhiệm vụ là phòng, chống dịch cũng như chăm lo Tết cho những đối tượng chính sách. Tất cả cũng nhằm để mọi người, mọi nhà đón Tết an toàn, tươi vui, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân chọn hoa đào tại chợ hoa Tết truyền thống Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nguyễn Quang

Tết đến bên nhà

Sau nhiều năm sống trong căn nhà nhỏ xuống cấp, cuối tháng 9-2020, gia đình bà Hà Thị Thảo, thôn Mỹ Giang, xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) chuyển về ở trong ngôi nhà mới với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng. Tết Tân Sửu 2021 sẽ là lần đầu tiên bà Thảo và các thành viên trong gia đình được đón Tết cổ truyền trong ngôi nhà mới khang trang nên ai nấy đều không giấu nổi niềm vui. “Gia đình tôi có hoàn cảnh đặc biệt, sức khỏe của chồng và con đều yếu, không có khả năng lao động. Nay được về ở và đón Tết trong ngôi nhà mới này, ai cũng phấn khởi. Từ nay, tôi sẽ cố gắng hơn để vươn lên trong cuộc sống”, bà Hà Thị Thảo chia sẻ.

Trong không khí nhộn nhịp đón Tết, bà Hà Thị Thu Hằng, tòa nhà N2D, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình bà thuộc diện thụ hưởng chính sách người có công, thường xuyên nhận được sự quan tâm về nhiều mặt của các cơ quan chức năng. Dịp Tết năm nay, gia đình bà cũng nhận được nhiều suất quà ý nghĩa, gồm tiền mặt, lương thực, thực phẩm thiết yếu, không khí đón Tết nhờ đó mà thêm ấm áp, nghĩa tình.

Không thể về quê đón Tết cùng gia đình, nhưng chị Ngô Thị Tuyến (quê ở tỉnh Quảng Ninh), công nhân Công ty TNHH SD Việt Nam, tạm trú ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cùng các thành viên trong xóm trọ cũng ấm lòng trước sự quan tâm của các cấp Công đoàn Thủ đô. Không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền tại xóm trọ rất vui vẻ, người dọn dẹp, trang hoàng phòng trọ, người đi mua sắm cành đào, cây quất, người nấu bữa cơm tất niên. "Quê tôi đang có dịch Covid-19 ngoài cộng đồng, nên tôi quyết định ở lại Thủ đô đón Tết. Tôi và công nhân công ty được hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần nên dù phải đón Tết xa quê nhưng tất cả đều ấm lòng", chị Ngô Thị Tuyến kể.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, sự quan tâm của chính quyền, hội, đoàn thể và nhân dân Thủ đô đến các đối tượng chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được duy trì, phát huy trong mọi hoàn cảnh. Càng cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, tinh thần nhân ái, sẻ chia càng thể hiện rõ nét.

Đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Bảo đảm mọi người, mọi nhà vui đón Tết

Để mọi người, mọi nhà vui đón Tết Nguyên đán Tân Sửu trong bầu không khí ấm áp, an toàn, các đơn vị, địa phương và người dân Thủ đô chung tay hỗ trợ đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn phù hợp với từng nhóm đối tượng, linh hoạt theo tình huống cụ thể.

Đã trở thành nét đẹp truyền thống, ngoài phần quà Chủ tịch nước, năm nay, UBND thành phố Hà Nội và 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn duy trì việc tặng quà cho 100% đối tượng thuộc diện thụ hưởng các chế độ, chính sách. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã trao gần 1,26 triệu suất quà đến các đối tượng chính sách với kinh phí gần 550 tỷ đồng. Trong những ngày nghỉ Tết, các đối tượng đang được chữa trị hoặc nuôi dưỡng tập trung tại các đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tại Bệnh viện 09, thuộc Sở Y tế Hà Nội được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người. Cán bộ, nhân viên phục vụ được bồi dưỡng thêm 200.000 đồng/người. Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 Hà Nội cho biết: “Sự quan tâm ân cần, chu đáo đến từ các cơ quan chức năng và cộng đồng, giúp các đối tượng yếu thế được đón Tết vui vẻ, đầm ấm hơn”.

Trong bối cảnh có dịch Covid-19, các hoạt động hỗ trợ người dân đón Tết được điều chỉnh linh hoạt. Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh, trong quá trình tổ chức tặng quà, các đơn vị như Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa thăm hỏi, chúc Tết, vừa tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Với người lao động ở lại đón Tết, ngoài những phần quà ý nghĩa, nhiều người còn được miễn, giảm tiền nhà trọ.

Chung tay chăm lo Tết cho những hoàn cảnh khó khăn, ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội thông tin: “Dịp này, đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ thực hiện "nhiệm vụ kép": Vận động nguồn lực tặng quà Tết và hỗ trợ phòng, chống dịch. Đến nay, hơn 90.000 suất quà Tết đã được trao đến những người có hoàn cảnh khó khăn; hàng hóa và tiền mặt trị giá hàng tỷ đồng đã đến với các địa điểm trên tuyến đầu chống dịch...”.

Đáng chú ý, Liên đoàn Lao động thành phố đã thay đổi kế hoạch hỗ trợ xe ô tô đưa công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, sang hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt cho những người ở lại Hà Nội đón Tết, nhằm hạn chế việc tập trung đông người, bảo đảm an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Với nhiều giải pháp hỗ trợ người dân đón Tết, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tin tưởng, những đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố đã được quan tâm đúng mức, tạo niềm tin để mọi người, mọi nhà cùng chào đón những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

 Minh Ngọc - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuẩn bị mâm cúng giao thừa đúng cách để mang lại may mắn

Lễ cúng giao thừa đêm 30 Tết này mang ý nghĩa như một lời tạm biệt năm cũ và chào đón một năm mới, với bản thân, gia đình và những người yêu thương nhiều may mắn, sức khỏe và thành công. Vì vậy, cúng giao thừa như thế nào cần phải hết sức lưu ý và cẩn thận.

Nguồn Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/990929/nha-nha-don-tet-an-binh