Nhiều "ma men" vẫn thản nhiên lái xe sau khi uống rượu bia
Kinhte&Xahoi
Mặc dù Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có hiệu lực nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân vẫn “bất chấp” pháp luật, uống bia và không đội mũ bảo hiểm khi lái xe trên các tuyến phố ở Hà Nội.
Ngày 2 và 3 tháng 1, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân Trí tại khu vực một số nhà hàng lớn trên địa bàn TP Hà Nội thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa... tình trạng người dân uống bia, rượu nhưng vẫn tham gia giao thông khá phổ biến. Đáng chú ý, còn có những trường hợp "mặt đỏ như gấc" không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên các tuyến phố.
Hơn 12h trưa tại trước một nhà hàng trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội), người đàn ông mặt đỏ "phừng phừng" không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy tham gia giao thông.
Hai người đàn ông đi xe máy từ trong quán nhậu ra, một người đội mũ bảo hiểm, một người không đội mũ bảo hiểm, đều trong tình trạng "mặt đỏ như gấc chín".
Có những trường hợp nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, bước từ trong quán nhậu ra và thuê taxi về nhà.
Có người thì đi xe ôm công nghệ, bảo đảm an toàn cho chính mình.
Vào lúc 20h tối ngày 2/1, trước một quán bia trên phố Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội), 2 người đàn ông bước ra khỏi quán, người ngồi sau xe Honda không đội mũ bảo hiểm.
Theo Nghị định mới, các lỗi vi phạm giao thông đường bộ như: Nồng độ cồn vượt mức cho phép, sử dụng ma tuý, đi không đúng phần đường, đi ngược chiều của đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm, không chấp hành hiệu lệnh, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm quy định về tốc độ, vượt xe không đúng quy định… sẽ bị tăng mức phạt tiền gấp nhiều lần so với trước đây.
Theo đó, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.
*Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại.