Cả xã trồng cà rốt
Về xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) những ngày này sẽ thấy cánh đồng trồng rau màu bạt ngàn. Trên những thửa ruộng là tiếng cười nói rôm rả của người nông dân đang thu hoạch cà rốt, xe công nông chất đầy cà rốt đỏ rực chạy tấp nập đường làng... tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp. Ai nấy đều hào hứng, phấn khởi trước một vụ cà rốt bội thu.
Anh Nguyễn Văn Phương ở thôn Yển Vũ (xã Đức Chính) phấn khởi khoe, vợ chồng anh trồng hơn 1 mẫu cà rốt. Trước Tết Nguyên đán, gia đình anh đã thu hoạch gần hết, giờ chỉ còn 3 sào cà rốt gieo muộn, sản lượng ước khoảng 7 tấn, độ vài ngày tới sẽ cho thu hoạch.
Chỉ vào ruộng cà rốt ngay trước mặt mình, anh tiết lộ, cà rốt gieo hạt từ tháng 8-9 năm ngoái. Khoảng 3-4 tháng sau bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài trong 1-2 tháng. Sản lượng cà rốt trung bình đạt 1,7-1,8 tấn/sào. Với giá bán như hiện nay, một sào cà rốt bán được 80 triệu đồng, trừ đi chi phí gia đình anh lãi khoảng 50 triệu đồng.
Tại xã Đức Chính, những năm gần đây cây cà rốt đã trở thành cây trồng chủ lực
Anh Phương kể, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng rau màu, trồng lúa. Thu nhập gọi là đủ để trang trải cuộc sống, hiệu quả kinh tế không được bao nhiêu. Từ khi chuyển sang chuyên canh trồng cà rốt, cuộc sống dần trở nên sung túc, ổn định hơn.
“Từ tháng 11, thu hoạch chính vụ cà rốt kéo dài đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Doanh nghiệp, các xưởng nườm nượp về tận nơi thu mua, đưa đi chế biến để xuất khẩu khiến cả vùng rộn ràng như mở hội. Tôi phải thuê thêm người nhổ cà rốt, cân đóng túi mới kịp giao cho thương lái”, anh Phương nói.
Đầu mùa, giá cà rốt dao động 3.000-4.000 đồng/kg, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc đóng biên nên dịp này cà rốt được giá, tăng lên mức 6.000-7.000 đồng/kg, cho thu khoảng 12 triệu/sào, thậm chí tới 13-15 triệu/sào.
Trồng cà rốt quan trọng nhất là khâu làm đất, thời gian đầu chú ý phòng ngừa sâu bệnh, nhện đỏ để cây sinh trưởng đều cho củ đẹp, đạt năng suất cao. Nhiều hộ làm trang trại, diện tích lớn, nhất là cà rốt đang được giá, nhà nào để cuối mùa thì lãi lớn, anh Phương chia sẻ.
Cách đó không xa là ruộng cà rốt của anh Nguyễn Văn Hải (thôn Yển Vũ) đang chờ đến lứa để thu hoạch. Anh Hải hào hứng nói: “Lâu lắm mới có vụ cà rốt được mùa được cả giá. Hiện giá cà rốt tại ruộng lên tới 6.000-7.000 đồng/kg mà thu hoạch được bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu”.
Gia đình anh Hải có 3 mẫu trồng cà rốt, trong đó hơn 1 mẫu chuẩn bị cho thu hoạch. Năm nay cuối vụ cà rốt được giá nên khoản thu nhập cũng tăng đáng kể.
Vụ cà rốt này, người dân xã Đức Chính phấn khởi vì được mùa được cả giá
Trước kia vùng này cũng trồng cà rốt nhưng trồng theo kiểu tự phát, giá cả bấp bênh, có năm giá cà rốt giảm chỉ còn 1.000 đồng/kg vẫn khó tiêu thụ. Từ ngày cả vùng chuyển sang trồng cà rốt liên kết với doanh nghiệp để làm hàng xuất khẩu, cuộc sống gia đình anh Hải và người dân dân nơi đây khấm khá hẳn.
Anh Hải cho hay, trồng cà rốt xuất khẩu phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn VietGap. Khi thu hoạch, cà rốt được doanh nghiệp, cơ sở chế biến thu mua với giá cao gấp 2-3 lần so với thời điểm trước khi có các mô hình liên kết.
Do thấy được tính hiệu quả từ mô hình liên kết nên hầu như hộ dân nào trong xã cũng trồng loại củ này. Hộ nào trồng ít thì vài sào, hộ nào trồng nhiều lên tới vài mẫu. Có người còn đi thuê thêm đất để trồng cà rốt.
“Từ ra Tết đến giờ, bình quân tôi thu 12 triệu đồng/sào cà rốt sau thu hoạch. Doanh nghiệp mua đến đâu là có tiền tươi trong tay luôn đến đó. Những vụ trước được mùa, được giá cho thu đến 400-500 triệu/vụ, trừ đi chi phí lãi được 2/3”, anh chia sẻ.
Năm chia nhau 100 tỷ, nông dân vươn lên làm giàu
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Hoàng Văn Chư - Chủ tịch UBND xã Đức Chính - cho biết, tổng diện tích trồng cà rốt của xã là 360ha. Sản lượng cà rốt bình quân dao động từ 12.000-18.000 tấn/vụ, cho thu hoạch 250-350 triệu/ha.
“Hiện xã Đức Chính có 2.100 hộ dân trồng cà rốt, chiếm 80% số hộ trong toàn xã. Như vụ này ước tính doanh thu từ cả rốt đạt khoảng 100 tỷ đồng”, ông Chư phấn khởi chia sẻ.
Với diện tích khoảng 360ha, sau khi thu hoạch người dân nơi đây thu khoảng 100 tỷ đồng
Ban đầu bình quân mỗi hộ chỉ trồng 4-5 sào, sau tăng lên 2-3 mẫu. Thậm chí, có gần 300 hộ thuê thêm đất ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh làm trang trại, trồng cà rốt giúp cuộc sống người dân thay đổi, dựng nhà dựng cửa, khá giả hơn trước rất nhiều.
Do đó, nếu tính cả diện tích cà rốt do người dân Đức Chính đi thuê đất các địa phương khác trồng và thu hoạch, vận chuyển về địa phương sơ chế và tiêu thụ, sản lượng cà rốt của Đức Chính ước khoảng 50.000 tấn/năm.
Ông Chư tiết lộ, mấu chốt khiến cây cà rốt tại đây đứng vững trên thị trường là bởi người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất theo quy trình nông sản sạch, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại để khẳng định thương hiệu sản phẩm cà rốt của địa phương.
Theo ông, người dân Đức Chính rất tự tin về trình độ thâm canh cà rốt. Tuy vậy, chính quyền xã và người dân nơi đây vẫn rất mong muốn được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, như việc mở rộng hệ thống tưới tiết kiệm, kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và đặc biệt là được quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Có như vậy, cây cà rốt mới yên tâm đứng vững trên thị trường.