Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh VOV
TP HCM: Khẩn trương thực hiện kết luận thanh tra về KĐT mới Thủ Thiêm
Sáng 11/7, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khoá IX, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, tại kỳ họp, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các nội dung quan trọng báo cáo đánh giá kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019; điều chỉnh quyết toán ngân sách năm 2017; quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 và một số tờ trình của UBND TP, thảo luận về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn TP… và thực hiện công tác nhân sự Thường trực HĐND TP HCM.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, HĐND TP HCM xây dựng chương trình giám sát về công tác quản lý trật tự xây dựng và tích cực chuẩn bị thành lập một khu công nghiệp mới dành cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của TP; Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiếp tục đối thoại với các hộ dân có nhà; hoàn chỉnh phương án chính sách bồi thường, tái định cư trình HĐND TP HCM theo quy định.
Trình bày về vấn đề cử tri kiến nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Tô Thị Bích Châu cho biết, cử tri ghi nhận việc TP xóa 180 dự án treo (tổng diện tích hơn 810 ha) nhưng vẫn có bức xúc vì quy hoạch “treo” cũng đồng nghĩa “treo” quyền lợi của người dân tại dự án.
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu, khách mời và phóng viên báo đài lần đầu tiên sử dụng ứng dụng phần mềm “kỳ họp không giấy”.
Cần Thơ: Chất vấn về trách nhiệm trong vụ sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng
Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 13 khóa IX HĐND TP Cần Thơ thực hiện phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cho biết, việc chất vấn sẽ xoay quanh 8 nhóm vấn đề chính: Công tác quản lý thị trường, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng; Chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại trong đợt dịch tả lợn châu Phi; Kết cấu, chất lượng hạ tầng giao thông; Quản lý triển khai thực hiện các dự án khu dân cư, tái định cư; quản lý chuyển mục đích sử dụng đất, bảo vệ môi trường; tu dưỡng giá trị văn hóa lịch sử; ứng dụng khoa học công nghệ và đấu tranh phòng, ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Tại Kỳ họp, nhiều đại biểu chất vấn về trách nhiệm ngành chức năng trong vụ Cty Mỹ Hưng (của bị can Trịnh Sướng) sản xuất xăng giả. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Toại cho rằng: “Với quy mô sản xuất xăng giả tinh vi như vậy mà không thâm nhập vào ổ pha chế thì khó phát hiện được. Có thể do doanh nghiệp này dùng chất phụ gia, chất kích ron nên tại thời điểm kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường không phát hiện được vi phạm.
Ông Phạm Văn Hiểu cho rằng, ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Nếu không có vụ xăng giả bị phát giác thì Cần Thơ cũng phải thắt chặt công tác kiểm tra, vi phạm đến đâu xử lý ngay đến đó. Đồng thời, khuyến cáo rộng rãi đến người dân để cảnh giác.
Gia Lai: Khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm
Nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri quan tâm đã được các đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (diễn ra từ ngày 08-10/07/2019) như tình hình thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm; nông dân gặp nhiều khó khăn do giá cao su, bời lời, cà phê giảm mạnh; Vướng mắc trong việc cấp mới và đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Các chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng; đường giao thông chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời; các chính sách, chế độ ưu đãi để thu hút đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa bàn.
Tại kỳ họp, lãnh đạo UBND tỉnh đã trả lời, giải đáp kịp thời nhiều kiến nghị của cử tri.
Nghệ An: Người dân chưa yên tâm với nước sinh hoạt
Thời gian qua, cử tri Nghệ An đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nước sạch và giá nước khi Cty CP cấp nước Nghệ An ngừng nhận nguồn nước thô sông Lam từ Cty TNHH MTV cấp nước sông Lam (mà tiếp tục sử dụng nguồn nước từ sông Đào, bị người dân “tố” là không đảm bảo chất lượng).
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII sáng 11/7, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ giá nước chênh lệch giữa điểm lấy từ sông Lam và sông Đào; Công bố rõ chỉ số chất lượng nước để người dân yên tâm.
Theo quyền Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An, việc bơm nước sông Đào là theo hợp đồng năm 2015 của Cty TNHH Sông Lam với UBND tỉnh. Hiện, chưa xác định khối lượng nguồn nước thay đổi nên chưa thể tính toán lại được số tiền chênh lệch giá nước phải trả lại cho người dân.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Đại, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, sông Lam nắng hạn có thể giảm nước nhưng vẫn đủ nguồn nước thô để sản xuất đảm bảo nước sạch. Sông Đào chảy qua khu dân cư, đầu nguồn có các khu công nghiệp nên nguồn nước không sạch. Vậy lý do gì lại sử dụng nước sông Đào? Tỉnh đã kêu gọi nhà đầu tư vào cung cấp nguồn nước thô từ sông Lam nên cũng cần phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp. Tối đa hóa lợi nhuận nhưng không có nghĩa là bất chấp sức khỏe của nhân dân.
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo bộ quy chuẩn chất lượng thì nguồn nước phải đảm bảo 109 tiêu chí. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, chủ quan và với năng lực hiện tại của Nghệ An thì mới chỉ tiến hành kiểm tra chất lượng với 24 chỉ tiêu.