Đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Ảnh: Xuân Lộc
Ra, vào bệnh viện bắt buộc phải khai báo y tế
9h sáng 31-3, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, ngay khu vực cổng ra, vào, bệnh viện đã tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện căng dây, phân luồng khám bệnh. Gần 20 người bệnh đến đây, lần lượt được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi bước vào bàn khám sàng lọc bên trong. Tại bàn khám sàng lọc, người bệnh bắt buộc phải khai báo y tế trước khi vào khám bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Hoàng Thị Phượng, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba cho biết, từ tháng 2-2020, bệnh viện đã bố trí khu khám sàng lọc gần cổng bệnh viện, ở vị trí thông thoáng và tách biệt với các khoa, phòng, tránh xảy ra trường hợp người có nguy cơ nhiễm Covid-19 tự do đi lại trong khu vực khám, chữa bệnh làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh. Các nhân viên y tế tham gia tiếp nhận, khám sàng lọc người bệnh đều được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tính đến trưa 31-3, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 25 bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Bạch Mai. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho rằng, tất cả những bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai về được đưa vào một khu riêng để theo dõi, điều trị và làm xét nghiệm Covid-19. Hiện tại, bệnh viện đã kích hoạt công tác phòng, chống Covid-19 tại bệnh viện lên mức báo động đỏ. Cụ thể, bệnh viện đã lên kế hoạch bổ sung nhân lực, chia ca trực, bảo đảm nhân lực phục vụ người bệnh.
Để phòng tránh lây nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nội tiết trung ương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đặt lịch khám qua điện thoại, tư vấn trực tuyến, triển khai khám theo giờ…, từ đó tránh quá tải, tập trung quá đông tại bệnh viện vào cùng một thời điểm. Theo ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh viện đã tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, chỉ cho 1 người nhà vào chăm sóc (nếu thực sự cần thiết) và phải được kiểm tra y tế trước khi vào, nhất là không cho người vào thăm hỏi bệnh nhân, tránh mang dịch bệnh từ bên ngoài vào. Mặt khác, suất ăn của người bệnh sẽ được nhân viên y tế đưa đến từng giường bệnh.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E nhấn mạnh, điều cần thiết nhất lúc này là phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc với tất cả người ra, vào bệnh viện. Thêm vào đó, hạn chế tối đa việc bệnh nhân nằm viện khi không cần thiết hay việc nhân viên y tế, người chăm bệnh nhân ra ngoài viện ăn uống; khoanh vùng các dịch vụ cung ứng vật tư, thực phẩm cho bệnh viện…
Thực hiện nghiêm việc chống nhiễm khuẩn
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận thông tin khai báo y tế của người dân khi đến khám bệnh. Ảnh: Quang Thái
Sau khi đăng ký khám bệnh trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bà Nguyễn Thị Hội (52 tuổi ở phố Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên) được hẹn đến khám và kiểm tra chức năng gan. Bà Nguyễn Thị Hội chia sẻ, những ngày này, khi vào bệnh viện, người dân thường có tâm lý lo lắng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, khi đến đây, bà cảm thấy yên tâm hơn. Bệnh viện tổ chức phân luồng, đo thân nhiệt, hướng dẫn người bệnh khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, mọi người còn được bố trí ngồi cách xa nhau tối thiểu 2m...
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội phải rà soát ngay toàn bộ bệnh nhân nặng điều trị nội trú tại bệnh viện, thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị nội trú theo quy định. Xây dựng kế hoạch bảo vệ những bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh lý nền. Ngoài ra, tại các bệnh viện phải bố trí đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế, nhất là khi thực hiện khám sàng lọc, các kỹ thuật cận lâm sàng, chăm sóc và điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho người bệnh và nhân viên y tế; bảo đảm bữa ăn cho người bệnh theo chế độ dinh dưỡng bệnh lý phù hợp. Người tham gia chế biến thức ăn tại bệnh viện hoặc người của đơn vị cung cấp suất ăn khi vận chuyển suất ăn vào trong bệnh viện phải mang trang bị bảo hộ theo quy định để phòng, chống lây nhiễm chéo.
Cùng với việc yêu cầu tăng cường nâng cao công tác chuyên môn, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị khám, chữa bệnh trong toàn ngành tích cực thông tin, tuyên truyền về dịch Covid-19 để người dân khi đến bệnh viện chủ động tuân thủ việc sàng lọc, phân luồng khám bệnh, đo thân nhiệt, khai báo y tế… để phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Khi có những kíp vận chuyển bệnh nhân cấp cứu phải tuân thủ phun khử khuẩn toàn diện xe cấp cứu từ trong ra ngoài, kể cả tay cầm ở các cánh cửa xe. Đối với việc xử lý chất thải tại nơi điều trị, cách ly cho những trường hợp nghi nhiễm đều phải được quản lý và xử lý chặt chẽ, đúng quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, mọi cơ sở y tế cần kiểm soát các đơn vị, cá nhân thực hiện các dịch vụ từ bên ngoài, như: Giặt là, bảo vệ, dọn vệ sinh, các quầy bán hàng trong bệnh viện… Nếu xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện lập tức dừng toàn bộ việc tiếp nhận người bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và thực hiện cách ly toàn bệnh viện. “Sở Y tế đã hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể công tác phòng, chống nhiễm khuẩn đối với các bệnh viện. Trong quá trình Sở Y tế đi kiểm tra, nếu bệnh viện nào không tuân thủ, giám đốc bệnh viện sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.