Quan họ Bắc Ninh sau 10 năm được Unesco vinh danh
Kinhte&Xahoi
10 năm trước, hình thức diễn xướng văn hóa dân gian Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn của vùng đất Kinh Bắc
Những ngày đầu xuân này, về vùng đất Kinh Bắc, du khách được đắm mình trong những làn điều quan họ mượt mà, tha thiết, dùng dằng níu giữ bước chân. Về đây để thấy tâm hôn thư thái, nhẹ nhõm và thêm yêu những làn điệu dân ca thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương, xứ sở.
Ngày 30/9/2009, Dân ca Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
NSƯT Xuân Mùi - Nguyên Phó giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn xúc động khi nhắc lại thời điểm 10 năm trước, ngày 30/9/2009, khi hình thức diễn xướng văn hoá dân gian Quan họ chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là một sự kiện vô cùng ý nghĩa.
Với ông, đây là dấu mốc làm thay đổi diện mạo của dân ca Quan họ - một loại hình dân ca độc đáo và phong phú trong kho tàng dân ca Việt Nam. "Từ khi Unesco công nhận dân ca Quan họ là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại đến nay đã vừa tròn 10 năm, diện mạo của dân ca Quan họ đã có nhiều thay đổi. Đã có nhiều chủ trương chính sách bảo tồn, phát huy và lan tỏa Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hiện.
Cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng Quan họ gốc, phát triển các làng Quan họ mới, thành lập nhiều Câu lạc bộ Quan họ, Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, Câu lạc bộ Dân ca Quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ Dân ca Quan họ Bắc Ninh…
Từ 49 làng Quan họ cổ (44 làng ở Bắc Ninh, 5 làng ở Bắc Giang) đã phát triển thêm 369 làng Quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ dân ca Quan họ với trên 10.000 người ở các độ tuổi tham gia; trong đó hơn 600 người có khả năng truyền dạy cho lớp trẻ. Nhiều cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu về Quan họ tiếp tục được tổ chức, thu hút sự quan tâm của công chúng và các nhà khoa học, các nhà quản lý. Hàng chục công trình nghiên cứu về Dân ca Quan họ Bắc Ninh được xuất bản và phát hành", NSƯT Xuân Mùi tràn đầy tự hào khi nói về sự "hồi sinh" của Quan họ.
Cùng với đó, NSƯT Xuân Mùi, người nghệ sĩ có 55 năm tuổi nghề cũng kể về các hoạt động văn hoá nghệ thuật và lễ hội phản ánh giá trị Dân ca Quan họ được duy trì và tổ chức hàng năm như: Hội thi Hát Quan họ đầu xuân; Hát Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, Hội Lim,... Đặc biệt năm nay, Festival “Về miền quan họ - 2019” diễn ra từ ngày 13/2 -28/2 là một trong những điểm nhấn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ.
Hội Lim Xuân Kỷ Hợi 2019
Dựa trên cơ sở nền tảng của lối chơi truyền thống, Dân ca Quan họ còn có sự phát triển phong phú về phương thức biểu diễn, giới thiệu Quan họ cũng như quy định đối với người chơi Quan họ. Biểu hiện rõ nét nhất là ở không gian diễn xướng ngày càng đa dạng, rộng mở chứ không còn bó hẹp như xưa.
Nhiều làng Quan họ với các di tích lịch sử văn hoá đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong sự phục hồi mạnh mẽ của Quan họ, không thể thiếu các hoạt động phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân ưu tú cho những người có tài năng và thành tích xuất sắc trong việc nắm giữ và truyền dạy di sản Quan họ cho các lớp kế cận tiêu biểu như: NSND Thúy Cải, Thúy Hường, NSƯT Quý Tráng, Lệ Thanh, Nghệ nhân ưu tú cụ Ngô Thị Nhi, cụ Ngô Thị Lịch, cụ Trần Thị Phụng,…
Hồi tưởng về những ngày gian khó của Quan họ cách đây nửa thế kỷ, NSƯT Xuân Mùi chia sẻ: "Cách đây hơn 50 năm, khi tôi với nghệ sĩ Quý Tráng về các làng sưu tầm thì lúc đó thanh niên trong làng đa phần không biết đến Quan họ, phong trào Quan họ gần như không còn…”.
Năm 1969, UBND tỉnh Hà Bắc (trước đây) đã thành lập Ðoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh với mục đích duy trì, bảo tồn và phát triển dân ca Quan họ. Đoàn cử các diễn viên thâm nhập thực tế, về các làng Quan họ cổ, gặp gỡ các nghệ nhân, tìm hiểu, sưu tầm các bài ca, lề lối và nghệ thuật ca hát Quan họ theo lối truyền khẩu. Những làn điệu Quan họ cổ đã giới thiệu tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Và cũng từ đây, phong trào ca hát Quan họ trong quần chúng trên địa bàn tỉnh dần được khôi phục và ngày càng phát triển trong cộng đồng. Các đội văn nghệ câu lạc bộ Quan họ được thành lập, các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca Quan họ được tổ chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia. Các nghệ nhân dân gian cũng góp phần truyền dạy những bài bản, kỹ năng ca hát và lề lối của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Có thể nói, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã thể hiện sức sống mãnh liệt không chỉ trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh, mà còn được phổ biến, lưu truyền ở nhiều địa phương trong cả nước với 140 câu lạc bộ ở 14 tỉnh, thành phố, cũng như trong đời sống của kiều bào Việt Nam sinh sống ở các nước trên thế giới như Đức, Pháp, Cộng hòa Czech,...Thậm chí, nhiều nơi kiều bào còn sắm cả thuyền rồng, trang phục quan họ như: áo tứ thân, nón quai thao,... tạo ra một không gian sinh hoạt văn hoá gần gũi như ở quê nhà.
Qua đó càng khẳng định sức sống mãnh liệt, bền bỉ của một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tinh túy trên mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng - nơi “một làn nắng cũng mang điệu dân ca…”..
Theo GĐ&PL