Nhiều công ty đã tận dụng công nghệ, sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh mới để phong tục, văn hóa trở nên dễ tiếp cận với nhiều đối tượng.
Theo đánh giá của nhiều tập đoàn lớn chuyên hỗ trợ khởi nghiệp, các di sản văn hóa truyền thống không chỉ là niềm tự hào về bản sắc của một dân tộc mà còn là chất xúc tác cho sự đổi mới và tinh thần kinh doanh. Khởi nghiệp trong lĩnh vực này, các công ty có thể khai thác kho tàng kiến thức, giá trị thực hành phong phú để nâng cao khả năng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng, đồng thời đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy di sản.
Không ít công ty khởi nghiệp đã tận dụng kỹ năng, hình thức nghệ thuật và thiết kế độc đáo từ nghề thủ công truyền thống để tạo ra những sản phẩm dịch vụ hiệu quả. Ví dụ, công ty khởi nghiệp Maison Numen ở Mỹ đã tạo một nền tảng trực tuyến kết nối các nghệ nhân từ các nền văn hóa khác nhau với khách hàng toàn cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm như hàng dệt may, đồ gốm, đồ trang sức được làm thủ công bởi các nghệ nhân từ châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Âu.
Jessica Macias, người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành Maison Numen chia sẻ: “Để thiết lập được sự kết nối với truyền thống, với văn hóa, chúng tôi đã đi khắp thế giới để tìm kiếm những nhà sản xuất có tay nghề cao và những nhà thiết kế sáng tạo, những người bảo tồn bản sắc truyền thống để chế tạo ra những sản phẩm có sức sống đương đại. Chúng tôi muốn kể câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm, về các kỹ thuật truyền thống được sử dụng để tạo ra chúng và bối cảnh văn hóa mà chúng ra đời. Mỗi sản phẩm của Maison Numen là một tác phẩm có hồn; một vật thể có sức sống với quá khứ phong phú và tương lai dài phía trước. Đó là thiết kế, đó là văn hóa, đó là lịch sử”.
Các chuyên gia từ Tập đoàn Đầu tư và Hướng dẫn khởi nghiệp Faster Capital ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho rằng, nhiều nền văn hóa đã tích lũy kiến thức và thực hành có giá trị qua nhiều thế hệ, có thể đưa ra giải pháp cho những thách thức đương đại. Bởi vậy, các công ty khởi nghiệp có thể học hỏi những kinh nghiệm này để tạo ra giải pháp sáng tạo, bền vững và hiệu quả. Điển hình như công ty Agricycle Global của Italia, một doanh nghiệp xã hội trao quyền cho nông dân ở các nước đang phát triển bằng cách cung cấp cho họ máy sấy năng lượng mặt trời có thể biến trái cây dư thừa của họ thành đồ ăn nhẹ bảo quản được lâu. Nhằm tiết kiệm kinh phí và ứng phó với tình trạng thiếu thốn công nghệ ở các nước đang phát triển, công ty khởi nghiệp này đã sử dụng các phương pháp sấy trái cây truyền thống để làm khô chuối, xoài, dứa, biến chúng thành sản phẩm kinh doanh, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Tại Trung Quốc, một công ty khởi nghiệp lấy ý tưởng từ văn hóa truyền thống khá thành công là TimeLooper. Thông qua các giải pháp sáng tạo, công ty này cung cấp những trải nghiệm nhập vai, đưa người dùng ngược thời gian, cho phép họ khám phá các địa điểm lịch sử, hiện vật và câu chuyện theo những cách mà trước đây không thể tưởng tượng được. Ví dụ, TimeLooper cung cấp các trải nghiệm thông qua công nghệ thực tế ảo (VR), cho phép người dùng bước vào những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử, chẳng hạn như lễ ký “Tuyên ngôn Độc lập” hoặc việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Thành lập từ năm 2014, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực du lịch và giáo dục, đến nay, TimeLooper đã cung cấp dịch vụ trải nghiệm VR cho nhiều khách hàng trên khắp các châu lục. Bằng cách tập trung vào nội dung chất lượng cao và quan hệ đối tác chiến lược, hơn 60 trải nghiệm VR du hành thời gian do công ty này tạo ra đã được sử dụng tại hơn 20 địa điểm mang tính biểu tượng tại 11 thành phố trên toàn thế giới.
Trước đây, việc tiếp cận các di tích lịch sử và hiện vật đòi hỏi phải có sự hiện diện vật lý, điều này thường hạn chế số lượng người có thể trải nghiệm chúng. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp về di sản văn hóa như TimeLooper đang phá vỡ những rào cản này bằng cách tận dụng các nền tảng và công nghệ kỹ thuật số để giúp di sản văn hóa dễ tiếp cận hơn với công chúng toàn cầu.
Theo nhận định của nhiều nhà quản lý, một trong những tác động đáng kể của các công ty khởi nghiệp về văn hóa truyền thống và di sản là khả năng thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại. Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến, các công ty khởi nghiệp này cho phép người dùng không chỉ nhìn thấy mà còn cảm nhận và trải nghiệm quá khứ, thúc đẩy mối liên hệ và sự hiểu biết sâu sắc hơn về di sản văn hóa chung.