Việc phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định là điều hết sức rủi ro đối với các nhà đầu tư.
Bởi, trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, đối với trái phiếu cần được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Điều này được quy định tại Điều 17, khoản 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Hiện, cơ quan quản lý Nhà nước vì thế đã có những biên pháp quản lý chặt chẽ hơn với kênh huy động vốn này, tránh có những quả bom nổ tung gây hệ lụy là đổ vỡ cả nền kinh tế. Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp đã bị xử phạt do vi phạm trong việc huy động vốn, phát hành trái phiếu không đúng quy định.
Tuy vậy, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tồn tại những nguy cơ khó lường, đến từ “biến tướng” trong hoạt động phát hành trái phiếu, khiến các nhà đầu tư phải “hoa mắt”.
Trái phiếu Abond của APEC Group tiếp tục được quảng cáo rầm rộ trên các website với cam kết cực hấp dẫn như: lãi cao đến 13%/năm, trả lãi đúng hạn 3 tháng/lần....
Quảng cáo rầm rộ, tiềm ẩn rủi ro lớn
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các website như traiphieu.abond.com.vn, abond.com.vn và App Abond (được giới thiệu thuộc về Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group) hiện đang quảng cáo rầm rộ loại trái phiếu Abond, gồm 2 loại là Abond 01 và Abond 02.
Đối với trái phiếu Abond 01, lãi suất cố định là 13%/năm, kỳ hạn 3 năm, không bán lại trước kỳ hạn. Trái phiếu Abond 02 có lãi suất cố định 12,5%/năm, đặc biệt, trái chủ có thể bán lại trái phiếu trước kỳ hạn với mỗi mức lãi suất khác nhau được tính theo 3 tháng/kỳ. Cả 2 loại trái phiếu này đều trả lãi suất định kỳ 3 tháng/lần.
Lô trái phiếu phát hành lần này tiếp tục được quảng cáo là rủi ro thấp (Bảo lãnh thanh toán gốc & lãi bởi CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam), có tính thanh khoản cao (Trả lãi 3 tháng/lần và rút gốc sau 12 tháng nắm giữ), thủ tục nhanh gọn.
Về mặt hình thức, nội dung banner quảng bá cho đợt phát hành trái phiếu này còn đã nhấn mạnh chỉ cần mua trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng là đã có thể phát sinh giao dịch.
Chỉ với mệnh giá 100.000 đồng là có thể phát sinh giao dịch.
Để tăng độ tin cậy cho các nhà đầu tư, việc giao dịch trái phiếu và quản lý danh mục đầu tư hoàn toàn trực tuyến dựa trên nền tảng ứng dụng Abond, một ứng dụng Fintech do APEC FINANCE quản lý.
Nền tảng fintech này có thể dễ dàng được tải về từ Google Play hay Appstore và đã thu hút được một lượng lớn Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch. Cách mở tài khoản cũng rất dễ dàng khi chỉ cần số điện thoại, thông tin cá nhân, thẻ CCCD/CMND và tài khoản ngân hàng để xác minh.
Dù được giới thiệu thuộc về APEC Group, nhưng những nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn không khỏi băn khoăn và có hàng loạt thắc mắc.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn APEC Group với Nghị quyết số 22/2021/AG/NQ-HĐQT ngày 29/12/2021 đã thông qua phát hành các mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 riêng lẻ thành nhiều đợt.
Đầu tiên, tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018, Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đều yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để công bố thông tin chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào.
Do đó, việc loạt trái phiếu Abond được quảng bá rầm rộ với những lời chào mời, quảng cáo lợi nhuận hấp dẫn như tại thông qua website traiphieu.abond.com.vn, abond.com.vn hay App Abond có đang không tuân thủ các quy định pháp luật hay không?
Thứ hai, đó là về thời gian phát hành trái phiếu. Cụ thể, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn APEC Group với Nghị quyết số 22/2021/AG/NQ-HĐQT ngày 29/12/2021 đã thông qua phát hành các mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 riêng lẻ thành nhiều đợt, không chuyển đổi và không tài sản đảm bảo. Với phương án phát hành được APEC Group công bố, mã trái phiếu trên dự kiến phát hành vào ngày 30/12/2021.
Một số dự án do APEC Group triển khai.
Nhưng theo khảo sát của phóng viên tại ứng dụng Abond lại có sự khác biệt với phương án phát hành.
Theo đó, các loại trái phiếu mã APGCH2124013, APGCH2124013-ANP, APGCH2124014, APGCH2124014-ANP phải đến ngày 4/4/2022 mới phát hành, thế nhưng các nhà đầu tư đã có thể đặt lệnh mua từ trước trên App ngay từ bây giờ.
Theo số liệu trên ứng dụng Abond, tính đến sáng 27/3/2022, các mã trái phiếu APGCH2124014, APGCH2124014-ANP, APGCH2124013, APGCH2124013-ANP đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia.
App Abond thông báo các gói đầu tư thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia. (Ảnh chụp màn hình vào ngày 27/3/2022).
Thứ ba, Theo quy định tại Điều 4, khoản 7 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP định nghĩa về Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu gồm: “Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc tổ chức là thành viên lưu ký của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện dịch vụ đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp”.
Trong khi đó, Mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 dự kiến được phát hành vào ngày 30/12/2021, quy định tại “Bản công bố thông tin trái phiếu theo phương thức riêng lẻ”. Tuy nhiên khi kiểm tra thông tin các mã trái phiếu trên tại Trung tâm lưu ký chứng khoán thì không hiển thị kết quả.
Việc mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 không được đăng ký, lưu trữ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam hoặc bất kể một tổ chức thuộc Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam có thể đã vi phạm Điều 15, khoản 1, điểm b và khoản 2 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
APEC Group và những lần phát hành "chui" trái phiếu trong quá khứ
Trong quá khứ, APEC Group từng gây xôn xao trên thị trường tài chính, khi bị phạt nặng vì vi phạm các quy định trong việc chào bán hay giao dịch trái phiếu.
Ngày 5/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) từng xử phạt hành chính Công ty cổ phần Đầu tư BG Group (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group) với số tiền 90 triệu đồng.
Apec Group từng bị phạt vì phát hành "chui" trái phiếu (Ảnh: APEC Group).
Doanh nghiệp này đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch (Công ty cổ phần Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch).
Vào ngày 6/12/2021, UBCKNN đã xử phạt đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán về hành vi chào bán trái phiếu qua phương tiện thông tin đại chúng, không đăng ký.
Theo đó, APEC Group bị phạt 600 triệu đồng do có hành vi: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.
Nguy cơ “bom nợ” từ trái phiếu BĐS: Bài học từ Evergrande
Trong năm 2021, thế giới đã được chứng kiến “quả bom nợ” trái phiếu - Tập đoàn China Evergrande, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc với gánh nặng khoản nợ lên đến hơn 300 tỷ USD.
Tập đoàn Evergrande vào tháng 12 năm ngoái đã bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings tuyên vỡ nợ, phản ánh việc công ty này mất khả năng thanh toán tiền lãi đối với hai lô trái phiếu USD.
Đây dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi, còn rất nhiều doanh nghiệp khác của Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trung Quốc yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn tự bỏ tiền túi để trả nợ cho Evergrande. Ảnh Viettimes.vn
Số vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc đã lập kỷ lục mới, với tổng giá trị ít nhất là 8,7 tỷ USD, trong đó, ngành bất động sản chiếm đến một phần ba. Fantasia Holdings, Sinic Holdings và China Properties cũng là những doanh nghiệp khác tại Trung Quốc đều đã vỡ nợ với trái phiếu USD trong tháng 10/2021.
Chuyên gia Ma Dong của BG Capital Management nhận xét, khủng hoảng của Evergrande đã làm dấy lên những lo lắng không chỉ về ngành bất động sản mà còn phủ rộng lên cả nền kinh tế Trung Quốc. Hiện Chính phủ nước này cũng cố gắn kiểm soát trong hệ thống tài chính trước khi mọi việc vượt quá tầm tay.
Về hệ lụy, việc bị hạ bậc xếp hạng tín dụng sẽ khiến các công ty càng khó huy động vốn hơn trong khi họ đang chịu sức ép rất lớn về tái cấp vốn.
Khó khăn trong ngành này đã đẩy lợi suất trái phiếu "rác" niêm yết bằng đồng USD của Trung Quốc lên cao kỷ lục. Việc này khiến các hãng bất động sản càng khó tái cấu trúc nợ tại thị trường nước ngoài, châm ngòi cho làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc.
Diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua từng tháng (Ảnh: Vneconomy)
Trước những tác động tiêu cực của “bom nợ” trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư lo ngại liệu Việt Nam có thể đối mặt với những nguy cơ tương tự hay không?
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), số lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản năm 2021 là hơn 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020. Mức lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 - 13 %/năm.
Đáng chú ý, tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp các lĩnh vực. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Theo Bộ Xây dựng, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro cho thị trường và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, nhằm tránh những tiềm ẩn, rủi ro.
Ttrong năm 2021 và đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng một thị trường tài chính minh bạch, bền vững.
Hồi đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Sau đó, phía Ngân hàng Nhà Nước cũng đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại và có hiệu lực vào ngày 15/1/2022.
Trong đó, các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nợ xấu dưới 3%.
Đây được các chuyên gia đánh giá là biện pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước góp phần hạn chế vốn chảy vào bất động sản.
Ảnh minh họa.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục có động thái siết vốn tín dụng vào bất động sản.
Một trong những nội dung được đề cập tại kế hoạch hành động của ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, đó là:
Các ngân hàng phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng… với mức lãi suất hợp lý; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp….
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Lê Hải - Pháp luật Plus