Thông tin Kiểm toán nhà nước nêu, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) chưa hoàn thành việc xác định phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với 3/5 lô đất tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng đang gây xôn xao dư luận.
Vấn đề được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến lô đất 8.476m2 tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội); lô đất 52.083m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội); lô đất 166.527 m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi (xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Trụ sở VICEM tại số 128 Lê Duẩn.
Dự án hoành tráng nhưng "hoang hóa" nhiều năm
Tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, Tổng công ty VICEM được UBND TP Hà Nội giao cho lô đất có diện tích 8.476m2 (Quyết định 5386/QĐ-UBND ngày 1/11/2010) để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM, dự kiến hoàn thành 3 năm sau.
Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng.
Tại thời điểm VICEM làm chủ đầu tư, nhiều người kỳ vọng về công trình sẽ tạo ra một bộ mặt, diện mạo mới với hoạt động kinh tế ở khu vực. Thế nhưng, sau nhiều năm dự án nằm đắp chiếu, công trường “án binh, bất động” để hoang hóa dự án nhanh chóng đem đến nỗi thất vọng đối với mọi người…
Tháp 31 tầng nghìn tỷ bỏ hoang giữa lòng Hà Nội. (Ảnh Zing.vn).
Đến ngày 20/3/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án này. Ngoài ra, theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu VICEM rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở tại lô đất vàng Khu đô thị mới Cầu Giấy.
Theo Kiểm toán nhà nước, chi phí đầu tư thực hiện dự án trụ sở của VICEM tại lô đất vàng ở Khu đô thị mới Cầu Giấy đến thời điểm kết thúc kiểm toán tại đơn vị là 770,63 tỷ đồng (tháng 5/2019). Hiện, Tổng công ty VICEM vẫn chưa hoàn thành việc rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Triển khai dự án không đủ vốn, mục tiêu phát triển quy hoạch không còn phù hợp
Lô đất 52.083m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gồm 4 khu được VICEM quản lý và sử dụng từ năm 1959. Trong đó, 5.893m2 làm trụ sở và nhà để xe; 28.363m2 được cho thuê; còn lại 15.091m2 làm kho chứa và bến bãi.
Theo tìm hiểu của PV được biết, VICEM từng có kế hoạch xây dựng công trình Khu tổng hợp với mục tiêu đầu tư khu nghiên cứu và phát triển. Song do không đủ nguồn vốn trong khi dự án không còn phù hợp với mục tiêu phát triển và quy hoạch, nên VICEM xin được tiếp tục sử dụng khu đất để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty theo phương án ban đầu.
Ngày 01/3/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất phương án VICEM đã đề xuất và và đề nghị Bộ Tài chính thực hiện việc xử lý, sắp xếp lại đối với cơ sở nhà đất này theo quy định.
Ngày 13/5/2019, đoàn kiểm tra hiện trạng của Cục Quản lý Công sản Bộ Tài chính và các Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính của UBND TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và đang hoàn thiện biên bản kiểm tra hiện trạng.
Ngán ngẩm dự án nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng hàng trăm tỷ ngưng trệ
Tại tỉnh Nghệ An, VICEM được giao lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi (ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) để xây dựng Nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi.
Dự án này được đầu tư lên đến 819 tỷ đồng. Nhà máy sẽ có công suất 400 triệu viên/năm.
Theo giới thiệu của VICEM, dự án này được sử dụng nguồn nguyên liệu cát, xi măng, vôi tại chỗ sản xuất sản phẩm block bê tông khí. Đây còn là dự án đầu tư mới, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 được Chính phủ đã phê duyệt.
Dự án được thi công xây dựng trong 18 tháng, khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm nhiều người lao động, đóng góp vào ngân sách tỉnh Nghệ An trung bình khoảng 25,5 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, việc triển khai xây dựng sau đó liền bị ngưng trệ khiến nhiều người ngao ngán.
Đến tháng 4/2019, VICEM lại kiến nghị “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”. Chi phí đầu tư đã thực hiện theo phương án ban đầu là 45,87 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán nhà nước, đến thời điểm kiểm toán tháng 5/2019, Bộ Xây dựng và Ban chỉ đạo cổ phần hóa VICEM chưa có ý kiến về phương án của Tổng công ty, đơn vị chưa hoàn thành việc rà soát, cập nhật phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.