Soi xét độ dài váy của vợ: Cấm đoán hay quan tâm?

09/08/2019 10:06

Kinhte&Xahoi Đầu năm nay, trên truyền thông có đăng tải một bức ảnh khiến nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều. Bức ảnh chụp người đàn ông đang chỉnh váy cho vợ. Và theo lời cô con gái cũng chính là người chia sẻ bức ảnh thì ba cô không muốn mẹ cô mặc váy ngắn ra đường nên cố kéo váy dài qua gối…

Bức ảnh gây tranh cãi người chồng quan tâm hay cấm đoán vợ mình mặc váy

Cốt lõi vẫn là tôn trọng

Tình huống này nhanh chóng thu hút sự chú ý. Dân mạng bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau xung quanh hành động của người đàn ông. Số thì cho rằng hành động thể hiện sự quan tâm của người chồng, số khác lại nhận xét người đàn ông đang cấm đoán vợ.

Thậm chí sau đó là một loạt những tâm sự của các bà vợ bị chồng cấm mặc váy đã nhân đà “ăn theo”. Và tình tiết này còn đi cả vào bộ phim dài tập “Về nhà đi con” đang rất thu hút trên sóng truyền hình quốc gia. Ở tập 20, thấy Huệ đi làm mặc đầm ngắn, Khải chồng cô liền thể hiện thái độ không hài lòng rồi bắt cô đi thay quần vì ghen. 

Bình luận về bức ảnh, nhiều nhà xã hội học cho rằng không nên đánh giá đây là hành động quan tâm hay là thói ích kỉ, bởi tất cả phụ thuộc vào sự nhìn nhận của chính hai nhân vật trong bức ảnh. Chỉnh váy cho vợ có thể là một trong những hành động nhỏ thể hiện sự quan tâm của người chồng, cũng có thể là hành động người chồng nhắc khéo vợ mình nên có trang phục phù hợp khi đến chốn đông người. Nhưng dù là gì đi nữa thì vấn đề cốt lõi vẫn là sự tôn trọng nhau giữa hai vợ chồng từ suy nghĩ cho tới hành động.

Nhân nói về sự tôn trọng giữa chồng và vợ, nhớ nữ nhà văn người Mỹ Nancy C. Anderson đã từng cho biết trên trang CBN rằng, vợ chồng bà đã từng có thời gian mâu thuẫn nhưng sau đó bà đã phát hiện ra một công thức bí mật biến anh ấy thành một người chồng yêu thương. Công thức đó là khi bà bắt đầu đối xử với chồng mình như một nhân vật quan trọng.

Bà Nancy C. Anderson viết: “Ron luôn muốn tôi tôn trọng anh ấy, nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được điều đó. Phụ nữ chúng ta rất giỏi trong việc chỉ ra lỗi lầm và thất bại của chồng. Chúng ta thường trừng phạt họ vì họ không đáp ứng nhu cầu của mình. Nhưng thực tế thì điều đó chỉ dẫn đến sự bất mãn và tạo ra khoảng cách giữa hai vợ chồng”.

Theo Nancy C. Anderson, la hét, cằn nhằn và coi thường là thiếu tôn trọng chồng và đó là cách giao tiếp không hiệu quả. Muốn giao tiếp với chồng hiệu quả thì cách tốt nhất là hãy tôn trọng chồng, cư xử với chồng như một vị vua. Điều đó như một nguyên lý: Muốn được là nữ hoàng thì hãy coi chồng mình là vua. Thay vì chờ đợi chồng mình trở thành một người đáng tôn trọng, thì bạn hãy tôn trọng anh ấy, ngưỡng mộ anh ấy, tìm kiếm cơ hội để khen ngợi anh ấy. Bằng cách đó, chồng bạn sẽ dần dần phát triển phần thiện lành tốt đẹp của mình.

“Khoảng 25 năm trước, cuộc hôn nhân của chúng tôi đang trên bờ vực ly hôn. Tôi đã kiểm soát, chỉ trích và thiếu tôn trọng nên Ron đã phòng thủ và tức giận. Tôi đã để cảm xúc điều khiển hành động và lời nói của mình. Ngày đó tôi cho rằng, việc một người chồng được vợ tôn trọng hay không đó là công việc của anh ấy, anh ấy có trách nhiệm làm cho tôi hạnh phúc.

Trải qua nhiều trắc trở, chúng tôi đã đưa ra quyết định xây dựng lại cuộc hôn nhân của mình. Cả tôi và Ron đã nhận ra sai lầm của mình trong việc ứng xử. Ron đã không cư xử với tôi một cách yêu thương, còn hành vi của tôi lại rất thiếu tôn trọng anh ấy. Và kể từ đó, tôi bắt đầu học cách tôn trọng Ron”, Nancy C. Anderson chia sẻ.

Là vợ chồng đừng chỉ nhìn thấy lỗi lầm và thất bại của nhau

Đây không phải là câu chuyện gia đình của riêng Nancy C. Anderson mà là câu chuyện của hàng triệu gia đình khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vợ chồng cần biết tôn trọng nhau cũng được luật hóa trong đạo luật về ứng xử, về hôn nhân của nhiều quốc gia và Việt Nam không ngoại lệ.

Luật Hôn nhân – Gia đình trong quá trình qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung vẫn luôn nhấn mạnh tiêu chí: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” (Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Kế thừa vấn đề này, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VHTT&DL thực hiện đã đưa “tôn trọng” thành yếu tố đứng đầu trong 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình là: Tôn trọng – Bình đẳng – Yêu thương – Chia sẻ.  Theo đó, cha ông ta đã để lại câu thành ngữ “Cá đối bằng đầu - cá mè một lứa” chính là để phê phán thói hư tật xấu không tôn trọng nhau trong gia đình, họ tộc. Đó là sự quá trớn lỡ đà trong ứng xử gia đình cần phải uốn nắn điều chỉnh. 

Tiêu chí ứng xử tôn trọng trong gia đình ở rất nhiều khía cạnh và có những nội dung sâu sắc thể hiện đậm nét qua phong tục, tập quán. Sự tôn trọng về tuổi tác là kính già – yêu trẻ. Trong gia đình, sự tôn trọng nghề nghiệp, sở thích đam mê, học vấn, những hạn chế về sự hiểu biết của nhau cũng cần được tôn trọng đúng mức. Đó là thái độ không coi thường người yếu thế, người có điểm xuất phát thấp, học vấn chưa cao. Hoàn cảnh, cảnh ngộ trước khi lập gia đình không thuận lợi cũng rất cần nhận được sự tôn trọng, cảm thông chia sẻ.

Không nên khơi gợi những chuyện buồn quá khứ, những kỷ niệm rất riêng mà thời gian đã vùi lấp vào dĩ vãng. Xúc phạm người thân trong gia đình là lỗi lầm khó có thể tha thứ vì nó đi ngược lại sự tôn trọng cần thiết trong đời sống hôn nhân, sự động chạm khơi gợi vào nỗi đau, lòng trắc ẩn, sự bất hạnh, khuyết tật hay yếu đuối đều rất bất lợi cho người thân. Có không ít người đem sự yếu kém của quê quán, dòng họ, gia đình người thân ra để rỉa rói khi giận dữ, hoặc cười cợt khi bông đùa là rất phản cảm. Vô tình họ đã làm tổn thương, hạ nhục người thân trong gia đình mình.

“Tôn trọng là một đức tính quý giá, không thể ngay một lúc mà có được. Nó được hình thành từ trong tính cách và thái độ ứng xử biết mình, biết người. Nếu trong tình yêu ban đầu có sự tôn trọng, thì khi thành vợ chồng, khi có con cái và chung sống với ông bà, cha mẹ nữa thì sự tôn trọng ở mỗi người sẽ phải nhân lên gấp nhiều lần. Giữ gìn sự tôn trọng trong ứng xử gia đình là tối cần thiết để duy trì từ ngọn lửa hạnh phúc, mãi ấm áp  tỏa sáng” - theo Bộ tiêu chí. 

Đánh vợ vỡ tim vì vợ mặc váy

Đó là vụ án gia đình hết sức đau lòng đã từng xảy ra ở Hải Dương năm 2015. Khi thấy chị M. – nạn nhân mặc chiếc váy đến ngang đầu gối đi ăn cưới, người chồng tên H. đã nổi cơn ghen dùng tay đấm chị vợ vào đầu và người làm chị ngã ra đất. Chưa chịu dừng lại, gã chồng vũ phu này tiếp tục đạp vào bụng và sườn của chị M., cho đến khi nạn nhân ngất xỉu.

Khi thấy vợ nằm bất động, người chồng vũ phu bế nạn nhân lên giường nhưng sau đó vẫn thấy vợ nằm bất động nên đã hô hoán rồi cùng bà con xóm giềng đưa vào bệnh viện cấp cứu thì đã quá muộn.

Quá trình khám nghiệm tử thi cho thấy chị M. chết do bị đa chấn thương, trong đó có các vết thương như sưng phù nề ở trán, 2 môi; 2 bên mạng sườn bầm tím, gãy 13 xương sườn; tim bị vỡ tâm thất phải và rách màng phổi.

Tại phiên tòa, người chồng đã chịu 8 năm 6 tháng tù về tội giết người. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì sao ngành xiếc ngày càng 'khát' diễn viên?

Những năm gần đây, ngành xiếc ngày càng “khát” diễn viên bởi nhiều nguyên do như: diễn viên rất khó sống bằng nghề; quá trình luyện tập gian nan, thời gian đằng đẵng; phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đặc thù nghề nghiệp...

Nguồn: Pháp luật Plus