Khi hoa đào trước nhà đơm nụ, chim về hót véo von, đấy là khi tết đến, xuân về - Ảnh: GIA TIẾN
Cái ngày xưa ấy cách nay đã hơn nửa thế kỷ, tôi ở một tỉnh trung du Bắc bộ. Khi những cành xoan khẳng khiu nhú lên những chồi non, hoa đào trước nhà đơm nụ, chim về hót véo von, đấy là khi Tết đến, Xuân về.
Ngày 30 cả xóm nổi lửa luộc bánh chưng
Cái Tết của gia đình công chức ngày xưa cũng đơn giản. Trong tiêu chuẩn sổ gạo được thêm mấy cân nếp, nhà có hai người làm nhân viên nhà nước sẽ được hai hộp mứt, thi thoảng có thêm bánh pháo hồng.
Cơ quan chia được vài ký thịt bao gồm đủ thứ từ tí xương, tí thịt, tí đầu, tí lòng... Trong hộp mứt có vài miếng mứt bí trắng đục, ngọt lịm, vài miếng mứt cà rốt đỏ, vài miếng mứt su hào nhuộm xanh đỏ, mấy miếng mứt gừng cay xè và một lô trứng chim - đấy là những hạt lạc rang ngào bột trắng xóa...
Hồi ấy cứ gần tết, ba tôi lại trồng một vườn rau cải, ba ngày tết cải nở bông vàng rực rỡ trước nhà. Gần tết, tôi đi nhà sách, chọn mua hai câu đối có màu sắc tươi tắn...
Trong nhà, gia đình dành một chỗ chính giữa nhà để tủ và trên đầu tủ chưng bày một nải chuối đẹp nhất, vài quả quýt, đôi khi thêm mấy quả cà chua cho thêm màu sắc. Mấy hộp mứt cũng được bày lên... cho đẹp và tươm tất.
Tết miền Bắc là bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Mọi thứ nhà tôi có, nhưng bánh chưng thì không. Được cái, má tôi cả năm mang hộp xilanh đi tiêm thuốc quanh xóm cho bà con nên tết đến, con cái cũng được hưởng lộc để có bánh ăn.
Sau này, khi con cái lớn, má tôi bắt đầu gói bánh chưng. Tôi lo đi mua lá dong và lạt giang, ngày hai chín ngâm đậu và nếp, ba mươi đãi vỏ đậu, đãi sạn nếp và lau lá. Để lá khỏi giòn và xanh bánh, phải nhúng lá qua nồi nước sôi rồi mới lau khô để gói. Má tôi gói không có khuôn nhưng khéo lắm, cái nào cái nấy vuông vắn.
Khi má gói gần xong ba mới ra tay, ba tận dụng lá gói những chiếc bánh ú nho nhỏ, xinh xinh có bốn đầu nhọn như củ ấu sau đó ba cột thành một túm bỏ lên trên nồi bánh. Đêm ba mươi, xóm làng chìm trong vắng lặng, nhưng trong mỗi ngôi nhà đều bập bùng bếp lửa nấu bánh chưng.
Lạ cái hồi đó nhà nào cũng để ba mươi mới gói bánh, mười hai giờ trưa bắc nồi bánh lên, tối đến cả nhà quây quần quanh nồi bánh. Khoảng mười giờ đêm, bọn trẻ chúng tôi hào hứng chờ quanh nồi bánh lúc ba vớt bánh ú ra trước.
Đứa lớn đứa nhỏ đều có phần, vừa thổi phù phù vừa loay hoay mở bánh đang nóng rẫy ra, hồi hộp chờ được nếm hương vị tết sớm. Chuẩn bị giao thừa là lúc vớt bánh ra, rửa bánh qua nước lạnh, ép cho ráo rồi chọn lấy một cặp đẹp nhất trang trọng đặt trên bàn thờ tổ tiên, ông bà.
Khi đó cũng là lúc pháo giao thừa nổ giòn khắp nơi, ánh sáng chớp lòa, âm thanh rộn rã, khói bay mù mịt mang theo mùi vị tết ấm cúng và đầy phấn khích.
Đêm ba mươi nào, má tôi cũng thức đến khuya may cho hai cô con gái hai tấm áo hoa để sáng mai mùng một chúng tôi có áo mới xúng xính khoe hàng xóm, bạn bè. Anh trai tôi và cậu em trai không được thế, có gì mặc nấy, con trai mà.
Tết bây giờ đã khác xưa nhiều lắm
Ngày mùng một cả nhà quây quần không đi đâu, thường mùng hai tết má mới dắt chúng tôi đi chúc tết hàng xóm. Ngày tết, ai cũng vui vẻ, lởi xởi để mong một năm mới tràn ngập niềm vui và nụ cười. Ngày ấy không có tục lì xì như bây giờ.
Năm mươi năm, hơn một nửa đời người đã trôi qua, tết bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Thịt thà, bánh kẹo không phải chờ tết mới có ăn. Tết đến đã là lúc nhiều gia đình nghĩ đến việc thưởng thức của ngon, vật lạ.
Không khí tết vẫn rộn ràng từ sau rằm tháng chạp, kẻ mua người sắm, nhộn nhịp, hối hả. Ngày nghỉ bây giờ cũng dài hơn trước.
Năm nay, một năm đặc biệt, cả thế giới chao đảo vì một con vi rút mang tên COVID-19, Tết đến với mọi người một cách thận trọng. Đã có những ý kiến nên bỏ Tết Nguyên đán truyền thống để hội nhập gây tranh cãi.
Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam thay vì ăn tết thì nên chơi tết vì cái ăn bây giờ không thiếu, vả lại nên giải phóng chị em phụ nữ khỏi cái bếp không phải ba ngày mà cả những ngày tết... ý kiến nào cũng có cái lý của họ.
Nhưng có một điều, ai cũng nói vui như tết chứ chẳng ai nói ăn như tết, mà cái vui lớn nhất của tết bây giờ là tết đoàn viên.
Khi tết đến là lúc mọi người nhớ và tìm về cội nguồn, gia đình của mình để sum vầy. Trong dịch, mới thấy không đâu bằng ở đất nước mình, vì thế tết sum họp càng có ý nghĩa...
"Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa, thất bát vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta, đường về nhà là vào tim ta, dẫu có muôn trùng xa, vật đổi sao dời, nhà vẫn luôn là nhà"... lời một bài hát thật hay, có lẽ sẽ trở thành hot trend của mùa tết này.
Lê Thu Nguyên - Theo Tuổi Trẻ