Thị trường bánh trung thu rục rịch vào mùa

10/08/2019 08:48

Kinhte&Xahoi Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng hiện trên một số tuyến phố của Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện các quầy bánh trung thu của một số doanh nghiệp (DN). Thị trường “mạng” cũng đã sôi động với các đầu mối bán buôn, bán lẻ bánh trung thu với đủ các loại bánh nhập khẩu, handmade...

Các quầy hàng bánh Trung thu đã bắt đầu xuất hiện trên các tuyến phố Hà Nội

“Cuộc đua” giữa các thương hiệu lớn

Với tay lấy các hộp bánh giới thiệu cho khách hàng, anh Quân  nhân viên bán hàng tại quầy hàng bánh Kinh Đô trên phố Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) quảng cáo: “Năm nay công ty cho “ra lò” nhiều dòng sản phẩm bánh trung thu với mức giá rất cạnh tranh, phù hợp nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng…”

Nổi bật là 12 loại bánh cao cấp “Bánh trăng vàng Kinh Đô” và 2 loại bánh trung thu oreo mà có loại tới 4 triệu đồng/hộp. Còn các loại bánh khác dao động ở khoảng 55.000 đồng – 480.000 đồng/cái.

Mặc dù sản phẩm đa dạng là vậy nhưng quầy hàng khá vắng khách. Theo nhân viên cửa hàng thì họ đã bắt đầu bán bánh trung thu được hơn 2 tuần nay nhưng do mới vào tháng 7 âm lịch nên lượng khách chọn mua ít, chủ yếu là người dân đến mua một, hai chiếc về ăn thử. “Phải qua dịp rằm tháng 7 thì sức mua lớn hơn”- anh Quân cho biết.

Với thương hiệu Hữu Nghị  năm nay tung ra thị trường với bộ sản phẩm Thanh Nguyệt 2019, mỗi chiếc bánh là một lời chúc Thu như ý với giá từ 430.000 đồng/bộ - 550.000 đồng/bộ.

Hải Hà – Kotobuki, cũng có rất nhiều dòng sản phẩm bánh trung thu đặc biệt với tên gọi: Thu An sinh, Thu Phú quý,  Thu Phúc Lộc... mang hương vị sen trà xanh, bào ngư, vi cá... được thiết kế tinh tế với những họa tiết hoa sen truyền thống.

Không chỉ các DN chuyên sản xuất các loại bánh trung thu mà ngay cả các nhà hàng, khách sạn hiện cũng đang sản xuất và bày bán các loại bánh cao cấp với mức giá từ 700-800.000 đồng/hộp cho tới vài triệu đồng/hộp.

Đơn cử, khách sạn  Hilton Hanoi Opera, năm nay cho ra đời loại bánh nướng với nhân vị chocolate đen, hạt phỉ và hạnh nhân. Các sản phẩm có giá từ 800.000 đến 3,8 triệu đồng.

Hay như khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, bên cạnh nhân bánh cổ điển, còn có bánh hương vị cốm, dâu tây, hạt dẻ và giăm bông. Hộp bốn bánh và sáu bánh  có giá lần lượt từ 750.000 đến 920.000 đồng. 

Nhìn chung giá bánh trung thu năm nay chỉ tăng nhẹ từ 3-5% so với năm ngoái. 

Vừa sản xuất, vừa nghe ngóng tình hình

Đối lập với sự náo nhiệt của cuộc đua giữa các thương hiệu lớn thì tại các làng nghề chuyên sản xuất bánh trung thu như Xuân Ðỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khí lại khá trầm lắng. Theo khảo sát, chỉ có hai cơ sở ở làng nghề Xuân Ðỉnh bắt đầu sản xuất bánh trung thu cung ứng ra thị trường.

Chị Bùi Thị Bình (43 đường Xuân Ðỉnh, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bình – Chung),  cho biết, cơ sở chuyên sản xuất bánh quanh năm cho nên sản lượng bánh được đưa ra thị trường tiêu thụ liên tục. Tuy nhiên, ngày thường sản xuất ít, chính vụ sẽ sản xuất nhiều. Tất cả sản phẩm sản xuất ra đều được khách hàng đến tận cơ sở đặt mua, lấy hàng mang đi nơi khác tiêu thụ.

Thông thường như năm ngoái, cơ sở tiêu thụ khoảng 2 đến 3 tấn bánh. “Năm nay chưa có gì đột biến cho nên chúng tôi cũng chưa sản xuất khối lượng nhiều. Chủ yếu mới dừng lại ở việc vừa sản xuất vừa nghe ngóng tình hình”- chị Bình cho hay.

Bên cạnh các loại bánh trung thu trong nước, hiện trên thị trường các loại bánh trung thu nhập ngoại từ Nhật Bản, Malaysia… cũng được chào bán khá nhiều (chủ yếu trên mạng xã hội, các kênh bán hàng online). Dòng sản phẩm nhập ngoại này cũng có muôn hình vạn giá. Nhiều loại bánh chào giá khá cao, lên đến vài triệu đồng/hộp 4 bánh, loại 250g. Tuy nhiên, nhiều nơi chào giá những loại bánh nhập ngoại chỉ với giá từ 20.000 đồng/chiếc, loại 150g. 

Loại bánh trung thu handmade (tự làm) cũng là loại bánh được nhiều người tiêu dùng quan tâm với sản phẩm độc đáo, lạ mắt được rao bán online từ nhiều tuần nay. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, bánh tự làm có hạn sử dụng ngắn, hơn nữa, vấn đề an toàn thực phẩm khó kiểm soát do các bà nội trợ khi mua nguyên liệu làm vỏ bánh, nhân bánh (lạp xường, xá xíu, mứt bí…) cũng không biết rõ nguồn gốc. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc với các loại sản phẩm này, nên mua những sản phẩm có nguôn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng rõ ràng.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Soi xét độ dài váy của vợ: Cấm đoán hay quan tâm?

Đầu năm nay, trên truyền thông có đăng tải một bức ảnh khiến nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều. Bức ảnh chụp người đàn ông đang chỉnh váy cho vợ. Và theo lời cô con gái cũng chính là người chia sẻ bức ảnh thì ba cô không muốn mẹ cô mặc váy ngắn ra đường nên cố kéo váy dài qua gối…

Vì sao ngành xiếc ngày càng 'khát' diễn viên?

Những năm gần đây, ngành xiếc ngày càng “khát” diễn viên bởi nhiều nguyên do như: diễn viên rất khó sống bằng nghề; quá trình luyện tập gian nan, thời gian đằng đẵng; phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đặc thù nghề nghiệp...

Nguồn: Pháp luật Plus