Thủ tướng Ấn Độ trước áp lực biểu tình
Kinhte&Xahoi
Giữa tâm điểm của làn sóng biểu tình bạo lực ở Assam, một tấm vải màu đỏ và trắng đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của “những người con của đất” để phản đối luật công dân mới mà họ coi là mối đe dọa đối với nền văn hóa độc đáo của mình.
Người dân Ấn Độ mang khăn gamosa đi biểu tìnhảnh: AP
Thường được nông dân và ngư dân quàng cổ hoặc quấn lên đầu, gamosa giờ được cả những người thuộc tầng lớp khác đội lên đầu, buộc quanh thắt lưng hoặc làm thành các khẩu hiệu chống chính phủ, theo bài của hãng AP.
“Cái này giống như lá cờ của chúng tôi”, Jatin Borah, 22 tuổi, nói. Borah là một trong hàng ngàn người tham gia cuộc biểu tình trên đường phố trong những ngày qua để phản đối luật mới. Đợt biểu tình lần này đã biến thành bạo lực và đụng độ với cảnh sát, khiến 6 người thiệt mạng.
“Nó đại diện cho Assam, cho văn hóa, khát vọng chính trị và xã hội của người dân ở đây. Nó là niềm tự hào, là thứ gắn kết chúng tôi”, Borah nói.
Vùng đất nằm ở vùng đông bắc Ấn Độ bị kẹp giữa Bangladesh, Trung Quốc và Myanmar, từ lâu đã trải qua nhiều đợt căng thẳng sắc tộc. Các nhóm vũ trang bộ lạc ở đây vẫn cưỡng lại thực tế rằng, đây là một phần của Ấn Độ.
Ở Assam từ lâu đã chứng kiến sự thù địch giữa người dân địa phương với cộng đồng người nhập cư nói tiếng Bengal được thực dân Anh đưa đến đây để làm trong các đồn điền trồng chè hoặc những người chạy khỏi cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971. Nhiều năm Assam bất ổn do các tổ chức sinh viên khởi xướng, như vụ thảm sát Nellie năm 1983 khiến ít nhất 2.000 người bị giết chỉ trong 6 giờ, chỉ kết thúc vào năm 1985 khi có Hiệp định Assam. Một phần của hiệp định này là nhằm gạt bỏ những người nước ngoài khỏi vùng đất này, và hệ thống đăng ký công dân gây tranh cãi trong năm nay khiến 1,9 triệu người không thể chứng minh họ hoặc ông bà của họ đã sinh sống ở Assam trước năm 1971. Những người này đối diện với tình trạng không quốc tịch, bị giam giữ hoặc thậm chí bị trục xuất.
Vài ngày trước, Thủ tướng Narendra Modi khơi lại vết thương cũ khi thông qua luật mới nhằm trao quyền công dân cho khoảng 20 triệu người nhập cư đang sống ở Ấn Độ, trong đó có khoảng 500.000 người ở Assam, với điều kiện họ không phải người Hồi giáo.
Graffiti xuất hiện khắp Guwahati, thành phố chính của Assam và cũng là trung tâm của những cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát trong những ngày qua, khiến 2 người chết và vài chục người bị thương. Người biểu tình nói rằng luật mới vi phạm thỏa thuận năm 1985.
“Luật này là mối đe dọa trực tiếp đối với nền văn hóa, sinh kế và quê hương của chúng tôi”, Samujjal Battacharya, một lãnh đạo cấp cao của tổ chức Liên đoàn sinh viên Assam (AASU), nói.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận dù chỉ một người nhập cư. Assam trước đây đã nhận đủ người nhập cư rồi”, Battacharya nói khi đang cùng những người biểu tình khác hô khẩu hiệu “Assam trường tồn” và “Mẹ Assam vĩ đại”. Battacharya cũng căng một chiếc gamosa cùng hai cô gái trẻ, trên đó có dòng chữ: “Ông Modi, Assam không phải bãi rác của ông” bằng tiếng Anh và tiếng Assam.
Dù có kích thước khác nhau nhưng các tấm gamosa nhìn chung đều là tấm khăn trắng với viền hoa đỏ. Loại khăn này được sử dụng rộng rãi ở 20 bộ lạc sinh sống trên những sườn đồi và thung lũng ở Assam. Theo các nhà xã hội học, gamosa là một phần cuộc sống ở Assam trong nhiều thế kỷ qua và trở thành biểu tượng bản sắc của vùng đất này. Du khách đến đây thường mua gamosa làm quà lưu niệm.
Phân biệt đối xử
Hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah kêu gọi người dân bình tĩnh vì văn hóa địa phương ở các bang vùng đông bắc sẽ không bị đe dọa.
Nhưng luật công dân mới không chỉ bị những người như ở Assam phản đối. Vì lo ngại có thể dẫn đến việc trao quyền công dân cho nhiều người nhập cư từ nước láng giềng Bangladesh, các đảng đối lập chính ở Ấn Độ và các nhóm hoạt động cho rằng đây là một phần trong chương trình hành động của Thủ tướng Modi nhằm gạt 200 triệu người Hồi giáo ra rìa.
Cuối tuần qua, đảng Quốc đại tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô New Delhi. Chủ tịch lâm thời của đảng, bà Sonia Gandhi, cho rằng luật mới “nguy hiểm”.
Các nhóm hoạt động và một chính đảng Hồi giáo cho biết sẽ kiện lên tòa tối cao.
Đảng đồng minh của đảng cầm quyền BJP ở Assam cho biết họ sẽ kiện lên tòa. Những người phản đối cho rằng luật mới vi phạm các nguyên tắc thế tục của hiến pháp Ấn Độ khi phân biệt đối xử với một bộ phận dân số.
Nhiều năm Assam bất ổn do các tổ chức sinh viên khởi xướng, như vụ thảm sát Nellie năm 1983 khiến ít nhất 2.000 người bị giết chỉ trong 6 giờ, chỉ kết thúc vào năm 1985 khi có Hiệp định Assam. Một phần của hiệp định này là nhằm gạt bỏ những người nước ngoài khỏi vùng đất này. |