Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trình phương án kinh phí bảo trì đường sắt

04/03/2020 09:48

Kinhte&Xahoi Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 70/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Lựa chọn một trong hai phương án

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2020 để thảo luận, cho ý kiến về các phương án sau:

Phương án 1: Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Phương án 2: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh hoạ.

Được biết, Bộ Giao thông vận tải đã giao hơn 2.800 tỷ đồng dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng đặt hàng, làm cơ sở triển khai kế hoạch bảo trì do vướng mắc về cơ chế, các quy định pháp luật. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo cụ thể các vướng mắc này.

Tuy nhiên, để hoạt động đường sắt được bình thường, an toàn, hiện Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai ngay các thủ tục giải ngân; trường hợp vướng các quy định pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.

“Đừng thấy khó khăn mà nản lòng”

Ngày 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban). Theo đó, tại buổi làm việc, các Tập đoàn (TĐ), Tổng Công ty (TCT) thuộc Uỷ ban đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc và kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, tháo gỡ. 

Tại buổi làm việc, thông tin về những vấn đề khó khăn của ngành đường sắt, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - cho hay, doanh nghiệp này đang đối diện với nguy cơ phải dừng hoạt động trên toàn quốc do thiếu tiền trả lương cho nhân viên gác chắn và tiền duy trì hoạt động tuần đường. Những vướng mắc hiện tại của ngành đường sắt gặp phải chủ yếu là về ngân sách, cơ chế này đã được VNR báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và thậm chí là báo cáo vượt cấp lên Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay những vướng mắc, khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết.

Ảnh minh họa

"Hiện có hơn 1 vạn công nhân tuần đường gác chắn không có lương, không thể duy trì hoạt động tuần đường gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng tàu vào tháng 3 tới. Việc dừng tàu sẽ gây ảnh hưởng tới 3 vạn cán bộ, công nhân viên đường sắt và gián đoạn phục vụ hành khách đi lại, vận chuyển hàng" - ông Minh cho hay.

Lãnh đạo VNR cho hay, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2020, tức là quá mốc hạn kỳ đến gần 2 tháng mà VNR vẫn chưa nhận được dự toán. Hàng vạn con người của VNR chưa được nhận tiền lương và nguy cơ ngành Đường sắt phải dừng hoạt động trên toàn quốc là rất nhãn tiền. Việc dừng tàu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, nhưng nếu cho chạy tàu thì trái luật, thậm chí tuần đường gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố.

Trước ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục yêu cầu VNR trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn, để hoạt động chạy tàu thông suốt. Theo ông Lục, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển VNR từ Ủy ban về trực thuộc Bộ GTVT, những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Ảnh minh họa

Trả lời TPO, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay: “Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR 4 lần lên để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do doanh nghiệp (tức VNR) chứ không phải của Nhà nước”.

“Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề nghị VNR có vướng mắc gì phải giải trình để tháo gỡ, song 3 tháng nay họ không có đề nghị. Họp Quốc hội chúng tôi cũng đã đề nghị nếu có ý kiến thì chúng tôi sẽ hướng dẫn tháo gỡ nhưng không thấy gì”, vị cục trưởng cho biết thêm. 

“Khi Luật Đường sắt, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách ra đời, bộ máy của tổng công ty trên vẫn không thay đổi để phù hợp với luật. Bởi thế, khi tất cả các tổng công ty, doanh nghiệp khác thay đổi, chuyển sang đặt hàng đấu thầu dịch vụ công thì VNR vẫn muốn đòi làm theo dự toán. Nói thẳng ra là ông không làm được, mượn áp lực ép lên để thực hiện theo cơ chế cũ. Thủ tướng đã yêu cầu trong năm nay phải đổi mới hết, thay đổi cơ chế để phù hợp với 3 luật trên, thực hiện đấu thầu, đặt hàng”, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nói. 

Trả lời VTV, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia cho hay: Tiến tới phải có những cái sửa đổi các luật có liên quan, để tăng thẩm quyền, bổ sung các thẩm quyền cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Thêm quyền nữa là được phép cấp ngân sách, cũng như là giao các chỉ tiêu cụ thể về tài chính, về ngân sách cho các Tập đoàn, Tổng Công ty mà Ủy ban quản lý.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhộn nhịp chợ 'lộc biển'

Tờ mờ sáng, chợ ruốc biển ở bãi biển Mân Thái (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nhộn nhịp. Chợ ruốc họp từ tháng 11 đến hết tháng 3 âm lịch, chỉ bán duy nhất một mặt hàng là ruốc biển, nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-yeu-cau-trinh-phuong-an-kinh-phi-bao-tri-duong-sat-d118564.html