Thừa cấp phó tại nhiều đơn vị ở Bộ Xây dựng!

25/02/2019 14:11

Kinhte&Xahoi Ba cơ quan của Bộ Xây dựng là Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Thanh tra Bộ đều vượt số lượng cấp phó.

“Thừa cấp phó” được nhắc đến nhiều trong những năm trở lại đây nhưng việc giải quyết việc này dường như vẫn đang là dấu hỏi lớn. Việc bổ nhiệm thừa cấp phó là sai so với quy định. Trong khi cả nước cố gắng thực hiện việc tinh giản biên chế nhưng tại Bộ Xây dựng có đến 3 cơ quan trực thuộc vẫn đang xảy ra tình trạng “thừa cấp phó”.

Ảnh minh họa (nguồn PLO.VN)

Ngày 6/11/2018, Thanh tra Bộ Nội vụ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra số 709/TB-TTBNV về việc quản lý biên chế, công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng công chức, viên chức; nâng bậc lương trước thời hạn; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; số lượng cấp phó và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Xây dựng từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/3/2018.

Theo đó Thông báo Kết luận Thanh tra của Bộ Nội vụ tháng 11/2018 cũng đã chỉ rõ việc “Thừa cấp phó” tại Bộ Xây dựng cụ thể:

“Đến thời điểm kiểm tra còn 3 cơ quan đơn vị hành chính thuộc, trực thuộc Bộ số lượng cấp phó vượt 1 người so với quy định.

Vụ Kế hoạch - Tài chính vượt 1 người; Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản vượt 1 người; Thanh tra Bộ vượt 1 người”.

Sau khi ban hành thông báo kết luận thanh tra thì Bộ Nội vụ cũng đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng biên chế công chức, bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, số lượng câp phó.

Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức đảm bảo số lượng theo kế hoạch đã ban hành. Rà soát, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi các quy định, quyết định về công tác cán bộ không đúng, không phù hợp, có sai phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển dụng công chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo các cấp từ tháng 6/2012 đến nay.

Chấm dứt việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ và việc sử dụng viên chức làm việc theo vị trí việc làm của công chức tại các cơ quan hành chính; chỉ đạo các đơn vị SNCL ký hợp đồng làm việc với viên chức được tuyển dụng theo đúng quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để xảy ra những sai sót nêu trên để có hình thức xử lý phù hợp.    

Mặc dù Phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ đặt lịch làm việc tại Bộ Xây dựng. Nhiều lần liên hệ để sáng rõ vụ việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời về việc xử lý những sai phạm trên ra sao?  

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Ngày 3/7/2017, báo Đại biểu nhân dân có đăng tải bài viết: "Thừa cấp phó - xử lý ra sao?".

Để lại, hay hạ xuống cũng không được có lẽ là tâm lý rất thật - dù không phổ biến nhưng lại đang tồn tại trong công tác cán bộ. Đó là cách quản lý chưa thượng tôn pháp luật, vẫn còn tâm lý nể nang, duy tình. Đó là một trong những lý do khiến việc giải quyết tình trạng thừa cấp phó vẫn là vấn đề nan giải.

Dù đã có quy định nhưng tình trạng thừa cấp phó tại các địa phương vẫn xảy ra. Đã đến lúc cần có hành lang pháp lý đầy đủ để quy trách nhiệm rõ cho từng chủ thể, cho từng khâu trong quy trình bổ nhiệm. Chỉ khi có chế tài cụ thể, đủ mạnh, đủ sức răn đe thì tình trạng thừa cấp phó mới có thể chấm dứt. Cử tri và dư luận mong rằng, việc thừa cấp phó không mãi là điệp khúc “rút kinh nghiệm, xin khắc phục”.

 

 

Theo Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đầu năm đi chợ Cầu May

Không rõ ở đâu trên trái đất này có một phiên chợ độc đáo như thế không chứ ở Việt Nam thì có đấy.

Du lịch hay... phá hoại Đà Lạt?

Những bãi rác khổng lồ còn sót lại tại những điểm du lịch có tiếng sau khi du khách rời đi là hình ảnh đang làm dư luận bức xúc. Nhiều người cho rằng, hành động vô ý thức của nhiều du khách không phải là đi chơi mà chẳng khác nào đang phá hoại môi trường du lịch.