Thực phẩm chức năng Zawa quảng cáo sai quy định, người dùng cân nhắc trước khi mua
Kinhte&Xahoi
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng Zawa quảng cáo trên trang website/internet sai phạm.
Sản phẩm Zawa quảng cáo không đúng với nội dung được Cục An toàn thực phẩm cấp phép, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên trang mạng: zawa.chinhhang.info, zawavietnam.com, zawachinhhang.com, zawa-chinhhang.vn, zawa.com.vn đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa vi phạm: Quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1216/2020/ATTP-XNQC ngày 30/3/2020 do Cục An toàn thực phẩm xác nhận); Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA (địa chỉ: P 204 tầng 2 số 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Quá trình hậu kiểm, Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA không thừa nhận các website nêu trên của Công ty, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa trên trang mạng nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa đang được quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên không đúng với nội dung đã được xác nhận. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa quảng cáo trên trang website/internet nêu trên. Cục An toàn thực phẩm cung cấp thông tin về nội dung quảng cáo sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận tại đường link dưới đây để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn.
Trước đó, trong hai bài viết với nhan đề "Hô biến' thực phẩm chức năng Zawa thành thuốc chữa bệnh để lừa dối người tiêu dùng" và "Thêm hàng loạt chiêu trò quảng cáo sản phẩm Zawa sai quy định, người dùng cẩn thận ‘sập bẫy’", Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) cũng đã nêu thực trạng trên một số website, Zawa được quảng cáo có tác dụng “điều trị” các bệnh như yếu sinh lý, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực, thúc đẩy ham muốn.
Sản phẩm Zawa cũng được “vẽ” thêm nhiều công dụng như giúp giảm stress, giúp tập trung và minh mẫn hơn, làm chậm quá trình mãn dục nam, giúp cơ thể cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng mệt mỏi, hỗ trợ và điều hòa đường huyết… Thực phẩm chức năng Zawa cũng được quảng cáo với hàng loạt từ ngữ dung tục, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, sản phẩm Zawa bán ra thị trường còn có thông tin nhà sản xuất không đúng với bản đăng ký số 2135/2020/ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm cấp. Vì nếu đúng như nội dung công bố, Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Syntech – nhà máy Hải Dương mới là công ty sản xuất, nguồn gốc của sản phẩm Zawa. Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm này lại thể hiện đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Dược phẩm Napharco (địa chỉ đường D1, khu CN Yên Mỹ 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Không chỉ quảng cáo Zawa như thuốc có tác dụng "điều trị" bệnh, một số webiste còn quảng cáo sản phẩm này được sản xuất bằng công nghệ Nhật Bản, trong đó, nhấn mạnh tới việc có các chuyên gia người Nhật Bản tham gia vào dự án phát triển Zawa.
Đặc biệt, có hình ảnh xuất hiện rất nhiều được giới thiệu là ông Takakura Masaki làm Trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm Zawa châu Á. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hình ảnh trên là Tiến sĩ, bác sĩ Makoto Kondo, người đã có sách được dịch ra và bán ở Việt Nam.
Tiến sĩ Makoto Kondo là bác sĩ tại Đại học Y khoa Keio. Ông có kinh nghiệm hơn 40 năm điều trị ung thư, chuyên gia xạ trị của bệnh viện Đại học Keio. Ông được biết tới là tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy, như “Ung thư đừng vội phẫu thuật”, “Bệnh nhân ơi, không nên đấu tranh với ung thư”, “Liệu pháp tự bỏ mặc phát triển trong điều trị ung thư… Năm 2012, ông giành giải thưởng Kikuchi Kan Prize cho sự đóng góp to lớn của văn hóa Nhật Bản.
Có thể thấy, Công ty Dược phẩm Locifa đã không ngần ngại “đổi tên” ông Makoto Kondo thành Takakura Masaki để phục vụ cho việc “đánh bóng” sản phẩm. Điều này một lần nữa cho thấy sự gian dối của đơn vị phân phối, quảng cáo khiến người tiêu dùng khó lòng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Lợi dụng thương hiệu, hình ảnh của VTV để quảng cáo
Không chỉ dừng lại ở việc quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, “làm giả” hình ảnh chuyên gia để quảng cáo, sản phẩm Zawa do Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa chịu trách nhiệm đưa ra thị trường còn được khéo léo lồng ghép, lợi dụng thương hiệu VTV, HTV9 để quảng cáo.
Cụ thể, trên một số trang mạng xã hội, Facebook đang xuất hiện những video với tiêu đề được gắn thêm như “VTV1 đưa tin giải pháp điều trị dứt điểm…” “Thời sự HTV9-Zawa có thực sự tốt hay không”... rồi ghép thêm một số hình ảnh khác với mục đích lôi kéo người dùng chú ý đến sản phẩm Zawa.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong các video này chủ yếu nói về nội dung xoay quanh buổi tọa đàm giải pháp tăng cường sức khỏe sinh lý nam giới với sự có mặt của chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam. Nội dung chính xác của các video từ VTV, HTV9 cũng không giới thiệu Zawa có khả năng điều trị một số bệnh như những quảng cáo của các trang mạng xã hội. |
Phong Lâm