Cách ngày anh ra đi ít ngày, tôi còn ngồi với anh tại một quán cà phê ở ngã 3 đường Giang Văn Minh – Đội Cấn. Buổi sáng hôm ấy, anh còn kể cho tôi nghe về những dự định trong những ngày tới. Nào là đang xúc tiến làm thủ tục thành lập một hãng phim mang tên anh và trước mắt là thực hiện bộ phim truyện nhựa với cái tên: “Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nam Cao.
Nụ cười hiền hậu của Nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường.
Anh bảo với tôi là cái khó nhất đối với anh khi bắt tay vào làm phim này là tìm đâu ra một con chó. Tìm được chó rồi lại phải thuê người huấn luyện nó sao cho đúng với kịch bản. Mấy ngày sau, như thường lệ, sau điểm tâm bữa ăn sáng, tôi lại tìm đến quán cà phê mà tôi và anh vẫn ngồi. Thấy một chiếc kính, một chiếc ví và vài tờ báo, tôi biết ngay các hiện vật ấy là của anh Bùi Cường. Cô chủ quán nói ngay:
- Anh Cường vừa ngồi đấy, thấy một người ôm một con chó chạy qua, thế là anh ấy chạy theo, không rõ có gặp được người chủ và con chó kia không?
Nghe vậy, tôi hiểu ngay ý định mà anh đang theo đuổi. Chờ mãi không thấy anh trở về, tôi đành phải rảo bộ về tòa soạn, trong thâm tâm, tôi cầu mong cho anh sẽ hiện thực hóa ý định của mình để sớm hoàn thành bộ phim “Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc” phục vụ công chúng yêu điện ảnh. Sau lần gặp gỡ và chuyện trò với anh ở quán cà phê hôm ấy, mấy hôm sau tôi có chuyến đi công tác ở phía Nam thì được tin anh đã qua đời bởi một cơn bạo bệnh cướp đi sự sống của một nghệ sỹ tài năng, khiêm nhường và nhất mực yêu thương vợ con, sống bằng nghề và yêu nghề cho đến những phút cuối đời.
Còn nhớ năm 2017, sau khi hoàn tất kịch bản phim truyền hình dài 30 tập đề cập đến một cặp đôi, họ gặp nhau rồi yêu nhau trong khuôn viên một trại cải tạo. Do cải tạo tốt họ cùng được đặc xá để nên vợ nên chồng, rồi lập nghiệp, trải qua 10 năm, được sự ủng hộ và quan tâm của chính quyền địa phương cặp vợ chồng ấy giờ đây đã trở thành “đại gia” đích thực ở tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, tôi và nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng đã vài lần ngồi trao đổi với anh Bùi Cường và mời anh đạo diễn cho bộ phim này.
Đọc kịch bản, nghệ sỹ ưu tú Bùi Cường thấy câu chuyện về một cặp hoàn lương, có nhiều đóng góp cho đời, anh rất thích và hứa sau khi hoàn thành mấy phim còn dang dở sẽ bắt tay vào thực hiện bộ phim này. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, căn bệnh quoái ác kia đã cướp đi mạng sống của anh để lại bao ước vọng và những dự định còn dở dang.
Trong vai trò đạo diễn, nghệ sĩ Bùi Cường luôn đau đáu tạo ra những tác phẩm điện ảnh xuất sắc để đưa đến cho khán giả những thước phim giá trị.
Giờ đây mỗi lần nói đến NSƯT Bùi Cường là chúng tôi, những người bạn của anh, cũng như công chúng trong cả nước lại nhớ đến anh với vai diễn nổi tiếng là chàng “Chí Phèo” trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” do đạo diễn Phạm Văn Khoa thực hiện. Vai diễn kinh điển này đã mang về cho anh tấm Huy chương Vàng tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983).
Để bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời của nghệ sỹ tài danh Bùi Cường, thay cho nén hương tưởng nhớ đến anh, chúng tôi xin lược lại đôi chút về anh.
Bước vào tuổi 25, anh nhờ người yêu (là vợ bây giờ) nộp hồ sơ thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh. Với tiểu phẩm “Dạy em”, anh đã trúng tuyển lớp diễn viên khóa II của trường. Học với anh thời đó có: NSND Đào Bá Sơn, NSND Minh Châu, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Quý, nghệ sĩ Vũ Đình Thân... Vì anh là người lớn tuổi nhất lớp nên được bầu làm lớp trưởng. Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Từ đó, anh bắt đầu con đường điện ảnh của mình với những thành công ngoài mong đợi.
Sau thành công của vai Chí Phèo, Bùi Cường được mời vào một loạt vai diễn tiếp theo như: Trần Tuấn trong phim “Phút thứ 89” (đạo diễn Quốc Long), Trần Quân trong phim “Kẻ giết người” (đạo diễn Hoài Linh), Tướng cướp trong “Dòng sông vàng” (đạo diễn Kiều Tuấn), Mộc trong phim “Không có đường chân trời” (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), chủ quán trong phim “Vụ áp phe Đông Dương” (đạo diễn Trần Đắc) Năm Hòa trong phim “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)...
15 năm với vai trò diễn viên, ông chuyển hướng sang làm đạo diễn, sản xuất. Bộ phim điện ảnh đầu tay của anh là “Người hùng râu quặp” ra đời năm 1990. Năm 1996, anh tiếp tục phim truyện nhựa tâm lý “Người đàn bà không con”. Bộ phim truyền hình “Vị tướng tình báo và hai bà vợ” ra đời năm 2013 được đông đảo khán giả yêu thích, từng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc. Tiếp sau đó là phim truyện nhựa “Năm ngày trong đời vị tướng”. NSƯT Bùi Cường đã để lại cho đời nhiều vai diễn ấn tượng và những bộ phim chất lượng.
Ngoài 70 tuổi, sau khi nghỉ hưu tại Hãng Phim truyện Việt Nam, anh vẫn thường xuyên vào TP.HCM làm đạo diễn phim truyền hình. Trước khi qua đời vài tháng, anh chia sẻ dự định thực hiện bộ phim về nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Anh cũng có tên trong danh sách gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018. Sự ra đi đột ngột của anh đã khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả hết sức bàng hoàng.
Rất đông bạn bè, đồng nghiệp đến chia buồn với gia đình và tiễn đưa nghệ sĩ Bùi Cường về cõi vĩnh hằng.
Đạo diễn Lê Đức Tiến - nguyên GĐ Hãng Phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Đạo diễn Bùi Cường mất đột ngột quá… Vậy là “Chí Phèo” đã đi vào cõi vĩnh hằng. Một diễn viên tài năng, một đạo diễn tâm huyết, người chồng, người anh hiền dịu của gia đình, một người bạn tử tế, chân tình… đã nhẹ nhàng ra đi chẳng vương vấn bụi trần. Anh ra đi để lại sự tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và những người yêu mến điện ảnh vì những đóng góp của anh cho đời, cho ngành điện ảnh không hề nhỏ. Đó là những tác phẩm do anh đạo diễn, những hình tượng nhân vật do anh diễn xuất mà đồng nghiệp và công chúng sẽ còn nhớ mãi. Cầu mong hương hồn anh siêu thoát, an lành về miền Cực Lạc”.
Anh Bùi Cường ơi, do đi công tác xa không kịp về dự lễ tang của anh được tổ chức tại nhà tang lễ quốc gia, chúng tôi mong anh ra đi thanh thản mặc cho các công việc, những ý tưởng và dự định của anh còn dang dở. Chúng tôi và nhưng đồng nghiệp, công chúng yêu điện ảnh vẫn nhớ đến anh – một nghệ sỹ tài danh, yêu nghề và sống bằng nghề.
Theo KD&PL