Theo đó, bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình Việt Nam là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó là ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương; Chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó, thực hiện nguyên tắc “Tôn trọng”, các thành viên trong gia đình cần đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
Thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng”, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Thực hiện các nguyên tắc “Yêu thương” và “Chia sẻ”, các thành viên trong gia đình cần có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Các thành viên thuộc nhóm vợ chồng; Ông bà, cha mẹ và con, cháu; Anh, chị, em trong gia đình ngoài thực hiện tiêu chí ứng xử chung, có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí cụ thể được quy định tại bộ tiêu chí này.
Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình.
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép.
Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em trong gia đình là hòa thuận, chia sẻ.
Rất nhiều người khi biết tin về Bộ tiêu chí này đã bày tỏ sự vui mừng, đồng tình và hưởng ứng nhiệt tình. Chị Thảo My (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Xưa nay tình cảm, trách nhiệm trong gia đình đều là dựa trên quan niệm, truyền thống của mỗi gia đình. Tất nhiên dựa trên nền tảng là những quy chuẩn chung mà cả xã hội thừa nhận nhưng hiện nay đưa ra những tiêu chí cụ thể như thế này để mọi người cùng biết, cùng làm theo thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều".
Chị Thanh Huyền (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì tâm sự: "Còn khá nhiều gia đình có tư tưởng "phong kiến", "chồng chúa vợ tôi". Điều này vô cùng nặng nề, trói buộc phụ nữ trong những nghĩa vụ, trách nhiệm nhiều khi vô lý mà mất đi sự bình đẳng, không được quyền tôn trọng và thương yêu. Bộ Tiêu chí quy định rõ ràng như vậy để làm chuẩn mực chung cho cả xã hội. Khi cả xã hội cùng thay đổi thì những "tàn dư" kia sẽ không còn, mang đến sự tiến bộ chung đồng thời mỗi gia đình, mỗi tổ ấm đều thực sự hạnh phúc".
Anh Minh Đức (ở quận Long Biên, Hà Nội) nhận định: "Xã hội hiện đại với rất nhiều mối quan hệ mở. Nhiều người có thể vì công việc, vì mối quan hệ bên ngoài mà lơ là trách nhiệm và sự gắn bó với gia đình. Nếu không có một tiêu chí chung về hành xử như một sợi dây "lạt mềm buộc chặt" thì mỗi chúng ta rất có thể sẽ tự phá vỡ hạnh phúc của mình lúc nào không hay. Tôi rất mong bộ Tiêu chí này được phổ biến rộng rãi hơn nữa để mỗi cá nhân đều ý thức rõ hơn vai trò của mình với gia đình, không phụ thuộc hay đổ thừa cho ai cả".
Bạn Minh Anh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ: "Giới trẻ, nhất là phụ nữ trẻ chúng em hiện nay có tư tưởng độc lập, tự chủ mạnh mẽ. Điều đó rất tốt khi ra ngoài xã hội có thể làm việc, cống hiến như nam giới song có một nhược điểm là sự tự chủ cũng dễ mang đến sự tự phụ. Bạn bè em có rất nhiều người mắc trong "mớ bòng bong" vì sự xung đột "mới - cũ" trong mỗi gia đình, đặc biệt khi đi làm dâu. Chính vì thế, em thấy bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình khá phù hợp với tình hình hiện nay.
Thứ nhất, điều này tạo điều kiện cho phụ nữ được làm việc, cống hiến, được tham gia các công việc xã hội như nam giới. Họ được san sẻ việc nhà, được người chồng và người trong gia đình tôn trọng.
Thứ hai, mỗi thành viên trong gia đình có trách nhiệm, nghĩa vụ như nhau chứ không phải "việc nhà là của đàn bà" như nhiều người vẫn quan niệm. Phụ nữ cũng như đàn ông, cùng đi làm cùng kiếm tiền, phụ nữ còn thiệt thòi hơn là còn sinh đẻ, nuôi con nhỏ nên hạn chế thời gian làm việc và sức khỏe cũng bị ảnh hưởng hơn đàn ông. Vì thế, không có chuyện người vợ vừa đi làm kiếm tiền vừa lo hết việc nhà trong khi chồng đã không phải đẻ, phải nuôi con nhỏ mà về nhà chỉ ngồi không, thậm chí còn "chỉ tay năm ngón".
Thứ ba, những cô gái trẻ sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn với gia đình, không quá chạy theo công việc hay các mối quan hệ bạn bè, vui chơi mà lơ là phận sự của mình trong gia đình".
Còn có rất nhiều ý kiến chia sẻ về hiện tượng nhiều mâu thuẫn phát sinh khi anh chị em đã có gia đình riêng, ảnh hưởng đến không khí chung của đại gia đình, thậm chí dẫn đến nhiều sự việc đau lòng như chém giết nhau, đẩy bố mẹ ra đường vì tranh cướp tài sản, đất đai... khiến dư luận bức xúc. Việc đưa ra những tiêu chí bao trùm này cho thấy những giá trị gia đình truyền thống tam đại, tứ đại đồng đường hay gia đình nhỏ, gia đình lớn đều được chú ý trong xã hội hiện đại.
Hương Thu - TTTĐ