Ngày 16-8, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị về tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhằm tập trung tìm giải pháp thu hút khách quốc tế trong 5 tháng cuối năm 2019.
Còn phụ thuộc khách Trung Quốc
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 1995-2015, du khách quốc tế đến Việt Nam tăng liên tục với tốc độ trung bình 15%/năm. Giai đoạn 2015-2018, tăng trưởng đột phá 25%/năm, đạt 15,5 triệu lượt khách.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Tháng 7-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, tăng 11% so với tháng 6-2019 và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, lượng khách ước đạt gần 9,8 triệu lượt, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, nhiệm vụ Chính phủ giao ngành du lịch thực hiện trong năm 2019 là đón và phục vụ khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế.
Thu hút khách nội địa trong bối cảnh sụt giảm du khách quốc tế
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam có phần bị chậm lại do thị trường Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ 2018; thị trường Úc cũng giảm nhẹ 1,2%.
Thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung khi kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn. Trong khi đó, lượng khách Trung Quốc lại đang tăng ở Hàn Quốc chủ yếu do Trung Quốc mở dần lệnh cấm các tour theo đoàn sang Hàn Quốc. Điều tương tự cũng diễn ra tại Nhật Bản, Đài Loan do những cởi mở về chính sách của Trung Quốc với 2 thị trường này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới cần đẩy mạnh thu hút khách đến từ các thị trường chính Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. "Du lịch Việt Nam cần phát huy mức tăng trưởng của thị trường du lịch Nhật Bản - khu vực có sự tăng trưởng bền vững trong thời gian qua.
Đối với khách Hàn Quốc, phải duy trì mức tăng trưởng như hiện nay, hy vọng đạt được mức tăng trưởng 30% trong 5 tháng cuối năm. Trong khi đó, không được để thị trường khách Trung Quốc sụt giảm thêm nữa, bởi sẽ khó hoàn thành mục tiêu 18 triệu khách quốc tế 2019 như đã đề ra" - ông Thiện phát biểu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý các sở thuộc tỉnh, thành phố cần phải siết chặt tình trạng phức tạp của tour 0 đồng, tuy nhiên không được làm giảm lượng khách du lịch.
Giải pháp cấp bách và thiết thực
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho rằng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách có khả năng chi trả cao, rất chú trọng tới các yếu tố an ninh, an toàn. Trong khi đó, các thương hiệu của Việt Nam chưa đủ mạnh để tạo nên sự tin tưởng cho khách du lịch như các nước đã làm. "Bên cạnh việc đề ra cơ chế để thu hút khách đến với Việt Nam, ngành du lịch Việt cần khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan đặc sắc của vùng miền để tăng trải nghiệm cho du khách; nâng cao chất lượng của nhân lực phục vụ trong du lịch" - ông Thủy nói.
Nhiều ý kiến yêu cầu Tổng cục Du lịch cần tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế qua các cửa khẩu đường bộ; số hóa công tác quản lý, đồng thời đưa thanh toán không qua hoạt động trung gian để tạo thuận lợi cho du khách.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cam kết sẽ thúc đẩy việc ứng dụng ví điện tử trong du lịch tại Việt Nam; cơ cấu lại lượng khách du lịch; mở rộng đường bay từ Việt Nam đến các nước châu Âu. Bên cạnh việc ký kết với các đối tác chiến lược tại thị trường Úc, châu Âu, Mỹ, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục mở các văn phòng du lịch tại Anh và các nước tiềm năng. Đây được xem là những giải pháp thiết thực và cấp bách để hoàn thành mục tiêu 18 triệu lượt khách du lịch năm 2019.
"Những vấn đề mang tính chất lâu dài như nới lỏng chính sách cấp visa du lịch, hộ chiếu... sẽ được nghiêm túc cân nhắc. Trước mắt, Tổng cục Du lịch sẽ xúc tiến việc tổ chức hội chợ du lịch quốc tế mang tầm quốc gia. Đây là đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương cũng có thể tổ chức hội chợ bên lề để tạo sức lan tỏa" - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cam kết.
Chớ quên khách nội địa!
Bên cạnh việc thu hút khách quốc tế, nhiều đại biểu cho rằng Tổng cục Du lịch cần có sự nhìn nhận chính xác về thị trường nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế đang giảm.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, chính nguồn du khách nội địa giữ cho hệ thống hạ tầng không bị xuống cấp. Trong 7 tháng đầu năm 2019, tốc độ phát triển du lịch nội địa rất cao, phân bổ đều từ Đà Lạt cho đến Phú Quốc. "Điều này góp phần giúp giãn đều thời gian của mùa du lịch. Chúng ta có thể tập trung phát triển du lịch nội địa, bởi tiềm năng lớn và chi phí đầu tư khá thấp" - ông Kỳ nói. |