Tìm hướng đi mới, nhiều nhà vườn thành tỷ phú
Kinhte&Xahoi
Trái cây Đồng Nai đa dạng như chôm chôm, bưởi, sầu riêng, măng cụt,… được người dân mọi nơi săn lùng vì nó có vị ngon đặc trưng. Nhờ vậy mà nhiều năm qua một số nông dân bỗng chốc thành tỷ phú là do biết cách đưa thương hiệu trái cây lên tầm cao mới.
Du khách tham quan vườn cây trái.
Nắm bắt kịp xu thế
Theo nông dân, TP Long Khánh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là vùng trồng trái cây ngon nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt có chôm chôm. Chôm chôm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên cho vị đặc trưng, thơm ngon, ngọt thanh khiến du khách ngang qua đều muốn mang về thưởng thức.
Tuy nhiên chôm chôm cũng là loại cây khó chăm sóc bởi nó thu hút cả chim, dơi,… về ăn, phá phách gây hư hỏng.
Do đó đầu tư trồng chôm chôm người nông dân phải tỉ mẩn chăm sóc chu đáo và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây thì cây mới phát triển bền vững, cho năng suất cao. Ngày nay nông dân tại thường xuyên tham gia các khoá học do hội nông dân tổ chức cũng như lên mạng xã hội, internet để tìm hiểu cách chăm sóc chôm chôm. Nhờ vậy đến nay, có nhiều nhà vườn dù đã gắn bó với chôm chôm hàng chục năm nhưng giữ được thương hiệu, các thương lái, người tiêu dùng đua nhau mua và ghé thăm vườn để có thể thưởng thức loại trái cây này.
Để có thể hiểu hơn về giá trị của chôm chôm Đồng Nai chúng tôi đã tìm về vùng Long Khánh và Xuân Lộc. Tại đây chúng tôi đã gặp được những người nông dân tâm huyết cố gắng đưa thương hiệu chôm chôm Đồng Nai bay cao bay xa hơn.
Điểm dừng chân của chúng tôi là vườn chôm chôm của gia đình ông Nguyễn Vĩnh Thuỵ tại huyện Xuân Lộc. Ông Thuỵ được biết đến là người tiên phong trồng thêm chôm chôm trong vuờn và tới nay là tỷ phú vùng quê này.
Đây là vườn chôm chôm hàng chục năm qua vẫn luôn khiến thương lái hài lòng, mua với giá cao bởi chất lượng được đặt lên hàng đầu. Ông Thuỵ cũng là người chấp nhận khăn gói lên Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam (TP.HCM) để học kỹ thuật và mua các loại phân, thuốc chăm sóc vườn cây cho trái ngon, trái đẹp. Nhờ vậy thương hiệu chôm chôm của gia đình ông hàng chục năm qua vẫn chưa từng bị mai một bởi chôm chôm trái to đẹp, ngọt,…
“Để giữ được thuơng hiệu tôi đã cố gắng học hỏi, đọc nhiều và áp dụng vào vườn nhà. Được chăm sóc cẩn thận, bổ sung đủ dinh dưỡng để nuôi cây và trái nên trái vườn nhà luôn lớn, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm đà nên khách sỉ, khách lẻ và cả thương lái đều thích thú, khá phù hợp cho xuất khẩu. Cũng mong là bà con luôn biết cách tự xây dựng thương hiệu cho chính vườn gia đình để kinh tế ngày càng ổn hơn”, ông Thuỵ nói.
Những trái bưởi giá trị cao.
Xây dựng thương hiệu
Trong khi đó cũng là nông dân khá nổi tiếng tại Đồng Nai với thương hiệu làng bưởi Tân Triều đó chính là nông dân Huỳnh Đức Huệ (còn gọi là ông Năm Huệ - 73 tuổi). Ông Huệ nổi tiếng bởi biết áp dụng du lịch vườn bưởi kết hợp sông nước và chế biến các món đặc sản từ bưởi.
Do đó khi nhắc đến bưởi Tân Triều, ai cũng biết đến Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) của ông Năm Huệ. Khu du lịch này của ông cũng có tiếng hàng chục năm qua, tiếng lành đồn xa, thu hút khách du lịch gần xa đến tham quan, thưởng thức đặc sản từ bưởi.
Ông Năm Huệ chia sẻ là trước đó với mong muốn thương hiệu bưởi của quê nhà được nhiều người biết đến nên ông đã thành lập Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều. Gia đình ông cố gắng vừa làm vừa mở rộng vườn bưởi, xây dựng chòi, khu nghỉ ngơi cho du khách khi đến tham quan. Đồng thời quảng bá sản phẩm thương hiệu trên các trang web, mạng xã hội,…
Đến nay từ 1,1 hécta đất trồng bưởi ban đầu, để có thêm diện tích trồng bưởi và làm chòi cho du khách vui chơi, gia đình ông đã mua thêm, mở rộng vườn bưởi và khu du lịch rộng 2 hécta như ngày nay. Trung bình mỗi ngày cuối tuần khu du lịch thu hút cả ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí.
Để thu hút du khách đến với vườn buởi tham quan du lịch, ông Năm Huệ đã áp dụng trồng bưởi theo mô hình sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, ông còn đầu tư phát triển các dịch vụ trong vườn bưởi như: mua ghe để khách chèo tham quan xung quanh khu du lịch, tạo hình trái bưởi khổng lồ cho du khách chụp hình; nhất là đầu tư mạnh cho ẩm thực với các món ăn dân dã được chế biến từ bưởi và rượu bưởi.
Nhờ sự phát triển của Khu du lịch Làng bưởi Tân Triều nên ông Năm Huệ đã nhiều lần được tham gia cùng các đoàn của tỉnh đi xúc tiến thương mại khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước để quảng bá cho thương hiệu bưởi Tân Triều.
Hải Sơn - Tùng Duy - Pháp luật Plus