TP HCM triển khai nhiều Trạm Y tế lưu động phục vụ người dân
Kinhte&Xahoi
Tính đến thời điểm hiện tại, TP HCM có 401/413 Trạm Y tế lưu động đã chính thức hoạt động. Riêng huyện Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm.
Một xe đặc chủng (Thaco sản xuất) phục vụ công tác y tế lưu động tại TP HCM
Ngày 27/8, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, với chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng như hiện nay, dự báo số ca F0 trong thời gian tới sẽ tăng lên, do đó nhu cầu điều trị F0 tại nhà sẽ tăng.
Nhằm đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà và đảm bảo người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt, Sở Y tế đã phối hợp các quận, huyện để thành lập Trạm Y tế lưu động.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP có 401/413 Trạm Y tế lưu động đã chính thức hoạt động, riêng Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm.
Tính đến 8h ngày 27/8, Trạm Y tế lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đang phụ trách chăm sóc và điều trị cho 23.197 người F0 cách ly tại nhà, thực hiện 4 nhiệm vụ chính.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, Sở đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.4, theo đó có bổ sung hoạt động của Trạm Y tế lưu động, điều kiện cách ly tại nhà và điều chỉnh về hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0.
Cụ thể, Trạm Y tế lưu động phụ trách khám bệnh và theo dõi sức khỏe cho các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công phụ trách; Quản lý danh sách, tổ chức thăm khám và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng, các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần…) để kịp thời đưa đến các cơ sở cách ly điều trị.
Bên cạnh đó, Trạm Y tế lưu động hướng dẫn người F0 khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nặng để phối hợp với tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị; Hướng dẫn người F0 gọi tổng đài “1022” và bấm phím “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP HCM hoặc bấm phím “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”.
Ngoài ra, Trạm Y tế lưu động cũng cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người F0 hàng ngày vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”; Cùng với đó, hướng dẫn F0 sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà; Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc RT-PCR) cho người F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly và làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người nhiễm khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Đặc biệt, Trạm Y tế lưu động còn phụ trách hướng dẫn người F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng, như khó thở, biểu hiện thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% thì gọi ngay tổng đài “115” hoặc gọi số điện thoại của Trạm Y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Nguyễn Nguyên - TTTĐ