Theo Sở Y tế, dự kiến chiều 19/6 Sở này sẽ tiến hành tập huấn tiêm vaccine Covid-19 cho đội ngũ y tế tham gia chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam.
Theo bảng phân công cử đội tiêm vaccine của từng nhóm đơn vị, sẽ có tổng số 1.032 đội đến từ 13 nhóm đơn vị y tế như bệnh viện trung ương, bệnh viện thành phố, bệnh viện tuyến quận huyện, HCDC, trung tâm y tế… Trong lần tham gia này, Sở Y tế yêu cầu các phòng khám chuyên khoa, đa khoa cũng hỗ trợ cử đội tiêm tham gia chiến dịch.
Hơn 5.000 nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử
“Mỗi đội tiêm gồm ít nhất 5 nhân sự có trình độ chuyên môn, gồm một bác sĩ khám sàng lọc, 2 nhân sự tiêm vaccine, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm”, đại diện Sở Y tế cho hay.
Các đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế đóng tại TP Hồ Chí Minh cũng tham gia chiến dịch, gồm 10 đơn vị, mỗi đơn vị chia thành 6 đội tiêm. Các trung tâm y tế lập 29 đơn vị, mỗi đơn vị có 2 đội tiêm. 26 đơn vị thuộc các bệnh viện đa khoa tư nhân, mỗi đơn vị chia 3 đội tiêm...
Ngoài ra, Sở Y tế cũng tổ chức triển khai về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Cụ thể, ngành y tế TP đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên số lượng vaccine được phân bổ từ 500.000 liều cho đến 10.000.000 liều.
Với 800.000 liều được phân bổ trong đợt này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP dự kiến tiêm chủng cho các đối tượng: Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… Dự kiến 1.000 điểm tiêm chủng sẽ được mở để tiêm vaccine cho các nhóm ưu tiên diện rộng, với số lượng khoảng 1 triệu người.
TP dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày, tại mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày.
Được biết, từ trưa ngày 18/6, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị này khẩn trương cử lực lượng để tổ chức các đội tham gia tiêm vaccine Covid-19. Ngoài ra, các đơn vị này cử thêm lực lượng hỗ trợ công tác hành chính để tiếp nhận, lập danh sách đối tượng tiêm, nhập liệu thông tin, cấp giấy xác nhận...
Nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng. Nhân viên trực tiếp khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên. Nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp y học hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên.
Trước đó, chiều ngày 17/6, 836.000 liều vaccine Covid-19 đã nhập kho Viện Pasteur TP. Đây là phần trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, được dành cho TP tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 1.300 ca Covid-19 từ ngày 18/5.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chiến dịch tiêm chủng sẽ diễn ra từ 5 đến 7 ngày, với khoảng 786.000 liều vaccine tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 và còn lại khoảng 50.000 liều cho bộ đội, công an trên địa bàn TP Hồ Chí Minh".
Trong ngày 18/6, TP Hồ Chí Minh ghi nhận có tất cả 149 bệnh nhân mắc Covid-19, đây là mức ghi nhận mới cao nhất từ trước đến nay tại TP.
Tiểu Thúy -Theo KTĐT