Phố cổ Hội An. Ảnh minh họa
Thực tế là, theo đề xuất của UBND TP Hội An, từ ngày 15/5, du khách trong nước và quốc tế phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ Hội An. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Thời gian bán vé tham quan từ 7h30 đến 21h30 hàng ngày vào mùa hè và đến 21h vào mùa đông. Bên cạnh đó, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách.
Đây không phải là đề xuất mới, chỉ là việc siết chặt hơn để không còn tình trạng “trốn vé”. Việc bán vé này đã được thực hiện từ lâu và đẩy mạnh từ khi Hội An được công nhận là di sản thế giới năm 1999.
Theo UBND Hội An, việc thu vé tham quan để có thêm nguồn lực cho việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu, cải tạo nhà… Tất cả kinh phí cho việc này, lâu nay Hội An đều lấy từ nguồn thu vé tham quan. Điều này là bình thường, được quy định rõ trong Luật Phí và lệ phí (Văn bản hợp nhất số 37/VBHN-VPQH ngày 7/12/2020). UBND TP Hội An đề xuất, nhưng theo luật định thẩm quyền thuộc HĐND tỉnh Quảng Nam.
Vì sao có chuyện ồn ào? Có lẽ một phần đến từ nguyên nhân sự thiếu hiểu biết về luật pháp và tâm lý “của chùa” của một số người. Đấy là chưa nói đến “hội chứng đám đông”, “hóng hớt” “câu view” của một số người tham gia mạng xã hội.
Đến thưởng lãm di sản thì trả phí, có gì sai? Theo nhiều ý kiến, không có gì sai cả. Thậm chí, đó là biểu hiện lối sống của người có văn hóa, biết ứng xử văn hóa trước di sản văn hóa.
Việc thu phí với khách du lịch ở phố cổ Hội An là chuyện thường trong ngành du lịch thế giới. Nhiều quốc gia và TP cũng có chính sách thu phí khách du lịch. Tại một số nước châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha… đều có quy định mức phí. Những thành phố du lịch nổi tiếng như Barcelona (Tây Ban Nha), Venice (Ý), Bali (Indonesia)… đều thu phí khách du lịch.
Tại Hội nghị về “chấn hưng văn hóa” năm 2021, khái niệm công nghiệp văn hóa một lần nữa đã lại được nhắc đến. Phải có các “sản phẩm” văn hóa, du lịch để có kinh phí “nuôi” văn hóa, bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích, di sản... Đây là biện chứng của thị trường; đồng thời là trách nhiệm giữ gìn di sản cho muôn đời mai sau. Tất nhiên, du lịch mới được “khởi động” lại thời kỳ “hậu COVID-19”, tính toán thời điểm, cũng là nghệ thuật.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus