Tranh cãi về công trình cứu hộ 'sai phép' tại Di sản Phong Nha
Kinhte&Xahoi
Vào năm 2015, Dự án Khu cứu hộ động vật, thực vật hoang dã và mở rộng Vườn thực vật trong Di sản Thiên nhiên thế giới – Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định 3122/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngày 25/7/2016, UBND tỉnh này tiếp tục có Quyết định 2200/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án; và ngày 28/8/2018 có Quyết định 2856/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình.
Một số công trình thuộc Dự án Khu cứu hộ động, thực vật và mở rộng Vườn thực vật đang được xây dựng
“Cầm đèn chạy trước ô tô”?
Theo đó, dự án này sẽ do Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục như: Sân, đường, nhà kho, bãi đỗ xe, các khu chức năng, chuồng trại và nhà làm việc. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8,4 tỷ đồng, được trích từ nguồn thu phí Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc ngân sách tỉnh. Mục tiêu của Dự án là xây dựng một khu cứu hộ động, thực vật hoang dã để bảo tồn và phát triển bền vững da dạng sinh học cho VQG. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020 và sẽ triển khai xây dựng tại Km số 9, đường 20 Quyết Thắng, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
Để triển khai dự án theo tiến độ đề ra, từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Ban quản lý VQG đã có nhiều văn bản gửi cho các sở, ban ngành và UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị xem xét việc giao đất, giao rừng cho dự án triển khai.
Trong khi UBND tỉnh đang chỉ đạo và giao cho các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu giải quyết, Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã cho xây dựng một số các hạng mục công trình thuộc dự án. Đơn vị này cho rằng khu cứu hộ động vật cũ đã bị xuống cấp nặng, hư hại, rất cần thiết phải có một khu cứu hộ mới để phục vụ hoạt động bảo tồn, cứu hộ và phát triển sự đa dạng sinh học cho VQG.
Cũng từ việc xây dựng “vội vàng” này, nhiều ý kiến đã phản đối việc làm của Ban quản lý vì cho rằng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, chưa được bàn giao đất…
Ngày 18/4/2019 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch đã phối hợp UBND xã Sơn Trạch kiểm tra hiện trường chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại khoảnh 1 và 2, thuộc tiểu khu 245; xác minh việc xây dựng các công trình nói trên. Lực lượng kiểm tra đã xác định: Theo Quyết định số 4534/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 25/12/2018, khu vực rừng nói trên được quy hoạch là rừng sản xuất và UBND xã Sơn Trạch được giao nhiệm vụ quản lý.
Tại thời điểm kiểm tra, Ban quản lý vườn chưa trình được các hồ sơ liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất. Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch đã đề nghị UBND xã Sơn Trạch lập biên bản đình chỉ thi công, bảo vệ nguyên vẹn hiện trường để phục vụ quá trình xác minh, làm rõ vụ việc và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Mỗi đơn vị một quan điểm
Lý giải về vấn đề trên, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, cho rằng: “Do có sự nhầm lẫn trong công tác tham mưu của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (đơn vị thuộc Ban quản lý vườn - PV)”.
Còn theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tại khoản 2, Điều 51 của Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực từ 1/1/2019) quy định rất rõ, việc xây dựng các công trình phục vụ mục đích bảo vệ và phát triển rừng như: trạm bảo vệ rừng, chòi canh lửa, đường ranh cản lửa, đập chứa, hồ dâng phòng chống cháy rừng, đường vận xuất… thì không phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Trên thực tế tại Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, từ trước đến nay các công trình như vậy đều không phải thực hiện chuyển đổi.
Cũng theo ông Tịnh, trong “sổ đỏ” số R373949 do UBND tỉnh Quảng Bình cấp cho Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha (tiền thân của Ban quản lý VQG) ngày 28/12/2000, thì các khoảnh 1 và 2, tiểu khu 245 đều thuộc quyền quản lý của vườn. Ngay cả trong bản đồ địa chính xã Sơn Trạch được Sở Tài nguyên và Môi trường xác lập ngày 24/11/2015 cũng thể hiện rõ điều này (thửa đất số 26, tờ bản đồ địa chính số 40 xã Sơn Trạch).
“Với Dự án Khu cứu hộ động, thực vật, trong quá trình lập quy hoạch và bố trí các hạng mục, Ban quản lý vườn đã cùng với đơn vị tư vấn khảo sát rất kỹ thực địa để bố trí các hạng mục công trình ở các khoảng đất trống, không có cây rừng hoặc chỉ có dây leo, bụi rậm. Một số công trình như chuồng trại, đường đi lại trong khu cứu hộ chủ yếu nằm dưới tán rừng nên việc xây dựng không làm ảnh hưởng đến môi trường rừng”, ông Tịnh nói.
Ông Tịnh nói thêm rằng, Khu cứu hộ có diện tích 7,8ha nhưng trong thực tế, các hạng mục công trình chỉ chiếm chưa đến 0,9ha. Ban quản lý vườn đã triển khai thực hiện các hạng mục thuộc Dự án là đúng quy định pháp luật và cũng đã có văn bản báo cáo đến Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề nói trên.
Thiết nghĩ, Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới, là một trong những khu rừng đặc dụng có mức độ đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam hiện nay và cũng là địa chỉ du lịch sinh thái, hang động nổi tiếng bậc nhất. Các hoạt động bảo tồn, phát triển rừng nơi đây luôn nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Việc triển khai xây dựng Khu cứu hộ động, thực vật hoang dã và mở rộng Vườn thực vật có thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hay đã xảy ra vi phạm, rất cần thiết phải có sự đánh giá, xem xét và chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình để giải quyết kịp thời, định hướng dư luận.
Kiều Ngân