Tranh cãi về dịch vụ cho thuê người đi chơi Trung thu

24/09/2018 08:16

Kinhte&Xahoi Trung thu này dân mạng truyền tay nhau thông tin về dịch vụ cho thuê “gấu” khiến nhiều người tò mò, thích thú. Nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều về việc thuê người đi chơi Trung thu có phần lạ kỳ này.

Những năm gần đây không quá hiếm để bắt gặp nhiều mẩu tin với lời mời gọi hết sức thu hút “cho thuê gấu, người yêu đi chơi Trung thu”. Theo quảng cáo, chỉ cần bỏ ra một số tiền theo quy định, bạn sẽ có người yêu (tất nhiên là đóng giả) với một số “đặc quyền” cụ thể, tùy theo mức giá phù hợp.

Theo đó, sẽ có nhiều mức giá khác nhau, mỗi gói sẽ có chú thích đi kèm và quyền lợi mà khách hàng nhận được. Có thể kể đến như: nắm tay, ôm hôn, đi chơi, đăng ảnh lãng mạn lên mạng xã hội...

Những lời rao về dịch vụ này “nhan nhản” trên mạng (Ảnh chụp màn hình)

Với gói hẹn hò mức giá 70.000 đồng khách hàng sẽ được nắm tay dạo phố giống như bước đầu của một mối quan hệ. Gói hẹn hò lãng mạn sẽ được cùng “người yêu” ăn tối nơi đông người và đăng những khoảnh khắc ấy lên mạng xã hội, mức giá của gói này khá “mềm” 100.000 đồng.

Với gói siêu lãng mạn, bao gồm các quyền lợi kể trên, cộng thêm vào đó là nụ hôn kiểu Pháp. Giả vờ yêu là gói “vip” nhất với mức giá 300.000 đồng, kèm thêm các quyền lợi kể trên là khách hàng có thể cùng “gấu” có những hành động như các cặp đôi bình thường khác, có thể duy trì trạng thái này trong suốt thời gian... 2 tuần.

Dịch vụ này đúng dịp Trung thu lại được dân mạng đưa ra mổ xẻ, bàn luận. Người đồng ý, kẻ phản đối, ai cũng có những lý lẽ riêng của mình. Có người cho rằng với những kẻ cô đơn thì dịp lễ tìm cho mình một người để cùng nhau tâm sự, chia sẻ cũng chẳng thể trách mắng được.

Với lý lẽ của những người chưa có người yêu, đôi khi họ quá bận rộn đuổi theo đam mê công việc, thời gian không đủ để có thể tìm được một người thực sự phù hợp. Dịp lễ “thuê” người yêu người yêu đi chơi, lẽ hiển nhiên và quyền riêng của mỗi người.

Bạn Hoài Nguyễn bày tỏ: “Có cầu thì tất có cung, chẳng có gì đáng phê phán hay tranh cãi ở đây cả. Ai có nhu cầu thì thuê, không thì thôi”.

Nick name Anh Tuấn thì cho rằng: “Điều này hợp lý mà, một vài ngày đâu thể tìm được người phù hợp để đi chơi dịp lễ. Sau đấy nếu không hợp thì chấm dứt, chẳng ảnh hưởng đến ai, còn biết đâu sau dịp này lại có thêm một mối quan hệ bạn bè, thậm chí tiến xa hơn thế nữa”.

Tấm biển "cho thuê người đi chơi Trung thu" gây chú ý đối với không ít bạn trẻ khi đi chơi trên phố Hàng Mã những ngày qua. (ảnh: Vũ Phong)


Còn theo phe không đồng tình với trào lưu thuê “gấu” thì việc này sẽ khiến cho danh nghĩa người yêu trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Tình cảm trên đời vốn dĩ là điều thiêng liêng, đẹp đẽ đáng trân quý, “ngã giá” thuê chẳng khác nào đánh đồng rằng tình yêu cũng có thể mua bán, trao đổi được.

Lam Trần chia sẻ: “Mình thấy đây là dịch vụ hết sức nhạt, đâu cô đơn đến nỗi thiếu một người để cùng chia sẻ, bạn bè quen biết cũng có thể đi chơi dịp Trung thu. Mối quan hệ mà đưa ra mua bán thì rẻ rúm lắm”.

Mỗi người một quan điểm, một ý kiến, chẳng ai đưa ra lời kết luận đâu là đúng, đâu là sai. Suy cho cùng hiện tượng này có lẽ xuất phát từ nỗi cô đơn của người trẻ trong nhịp sống hiện đại mà thôi...

 

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lồng đèn thủ công truyền thống đang “hồi sinh”

Có một thời, lồng đèn thủ công truyền thống dường như hoàn toàn mất dạng, lép vế trước lồng đèn điện tử xuất xứ Trung Quốc đủ màu sắc, chức năng thu hút con trẻ. Thế nhưng, trong vòng 2 mùa Trung thu gần đây, với sự nỗ lực của các bậc phụ huynh, lồng đèn thủ công đang dần trở lại với trẻ thơ ở TP mang tên Bác.