Phải nói rằng, trẻ con ngày nay đã ý thức rất rõ về "quyền sở hữu". Một đứa trẻ học tiểu học đã có thể "lên mạng" và tìm đọc những quy định về sở hữu tài sản mà cụ thể là tìm hiểu xem liệu trẻ có được giữ tiền lì xì hay không.
Cháu gái tôi năm nay học lớp 5, thậm chí còn đưa ra một bài báo nêu rất rõ, rằng bố mẹ có thể bị phạt hành chính nếu "tịch thu" tiền lì xì mà cháu nhận được trong dịp Tết.
"Theo điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng".
Khoản 1, Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Quyền có tài sản riêng của con, quy định: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".
Như vậy, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con và cha mẹ nếu bắt buộc con trẻ phải đưa tiền lì xì cho mình mà con không đồng ý thì có thể bị xử phạt.
Biết rằng trong nhiều trường hợp, bố mẹ muốn bảo vệ tiền cho con khỏi rơi mất hoặc tiêu pha phung phí, thậm chí vì có tiền mà hư hỏng. Song, chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh cũng phải "cứng họng" vì lập luận của con cái!
"Vì sao mẹ dặn con phải trung thực, không được lấy đồ người khác khi không được phép, nhưng lại lấy tiền của con? Như vậy có phải là ăn cắp, là chiếm đoạt không?" - tôi giật mình và nhận thấy, sự áp đặt của người lớn lên con trẻ quả thực là sai lầm!
Tuy nhiên, trẻ con hiểu gì về tiền và sử dụng tiền như thế nào, có đúng đắn hay không lại là điều mà nhiều người rất trăn trở. Nói thẳng, đến người lớn, cũng không ít người còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tiền bạc và dùng tiền vào đâu, huống hồ trẻ nhỏ.
Chính bởi vậy, tôi cho rằng, điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần dạy cho con hiểu rõ về khái niệm, chức năng của tiền. Tiền từ đâu mà có, sử dụng để làm gì, dùng như thế nào mới có ý nghĩa?
Cần cho trẻ thấy được những đồng tiền không phải được "cho - tặng" một cách dễ dãi, hễ xòe tay ra là có 200.000, 500.000 đồng mà đó chính là mồ hôi, là kết quả từ sự cần cù lao động của người lớn.
Cần để trẻ thấy được, để kiếm ra những đồng tiền mới cóng trong phong bao lì xì ấy, rất nhiều người lớn phải lao động cật lực mỗi ngày, phải bưng bê, gồng gánh khổ cực. Khi hiểu được nguồn gốc của tiền, trẻ mới biết quý trọng và không vòi vĩnh.
Nhiều gia đình cứ vào dịp Tết, cha mẹ lại "chết điếng" khi con hồn nhiên xin lì xì của khách, bóc phong bao ngay trước mặt khách. Điều đó không chỉ phản ánh sự thiếu lịch sự, thiếu tế nhị trong cách ứng xử của con trẻ, mà còn cho thấy, cách nhận thức của trẻ về tục lệ lì xì (mừng tuổi) đang dần trở nên méo mó.
Tâm hồn và nhận thức trẻ nhỏ cũng tựa như tờ giấy trắng. Cái gì có được quá dễ dàng cũng dễ khiến trẻ không biết quý trọng. Do đó, đừng nên để con trẻ khi còn nhỏ đã có cái nhìn lệch lạc về tiền bạc và vật chất.
Nếu được, tôi hi vọng ngay trong dịp đầu năm, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để hướng dẫn cho con hiểu về giá trị của tiền, dạy con cách tiết kiệm, cách dùng tiền, thậm chí là cả cách đầu tư.
Cậu học sinh 9 tuổi ở trường Tiểu học thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình dành tiền mừng tuổi và tiền tiết kiệm được để giúp các bạn mồ côi ăn Tết hồi đầu năm ngoái (2020) là một ví dụ tốt về cách dùng tiền. Hay như ở Hàn Quốc còn có cậu bé 12 tuổi lãi 43% nhờ mua cổ phiếu trong đại dịch.
Bản thân tiền khi là giấy, là dãy số trong tài khoản ngân hàng - hoàn toàn không có ý nghĩa. Nhưng tiền sẽ có ý nghĩa lớn lao khi mua bán, trao đổi, trao tặng đúng nơi đúng chỗ, hàm chứa mục đích, ý nghĩa cao đẹp. Tiền có thể khiến con người cao thượng hơn nhưng cũng có thể biến người ta trở nên thấp hèn.
Mong cho con trẻ - thế hệ của tương lai, trong năm mới sẽ hiểu đúng về tiền và sẽ là những đứa trẻ thông minh khi biết giữ tiền, dùng tiền!
Bích Diệp - Theo Dân Trí