Đó là chùa Thành – ngôi chùa đã được xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993 và hiện là trụ sở của Ban đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn.
Chùa Thành - một địa chỉ văn hóa lịch sử - du lịch tâm linh nơi biên cương xứ Lạng
Chùa Thành còn có tên gọi là Diên Khánh tự - nghĩa là tích điều thiện để có phúc truyền cho đời sau. Tương truyền, ngôi chùa cổ này được xây dựng bên trên để trấn yểm cột đồng do giặc Hán dựng đã bị nhân dân ta chôn vùi.
Ngôi chùa gắn với truyền thuyết về cây cột đồng
Vào thế kỷ thứ 1, tướng Hán là Mã Viện đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sáp nhập nước ta vào Đông Hán, đi đến đâu chúng xây thành đắp lũy đến đó. Nơi tiếp giáp giữa Giao Chỉ và Trung Quốc (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn), Mã Viện cho quân dựng cột đồng, khắc sáu chữ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Nếu cột đồng đổ thì người Giao Chỉ bị diệt).
Tương truyền, bất cứ người dân đất Việt nào đi qua nơi ấy đều ném vào chân cột đồng một hòn đá. Trải nhiều đời, đá trùm lên lấp kín trụ đồng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Tân Mùi (1271), Hốt Tất Liệt đòi vua Trần Thánh Tông phải sang chầu, vua viện cớ đang ốm không đi được. Hốt Tất Liệt cho sứ sang yêu cầu vua Trần chỉ cho chúng cột đồng của Mã Viện thuở xưa, với ý đồ dùng cột đồng để hăm dọa sẽ san bằng Đại Việt. Vua không hề run sợ mà khẳng khái trả lời chúng rằng: "Cột ấy lâu ngày nên đã mất".
Ngôi chùa thiêng soi bóng bên sông Kỳ Cùng thơ mộng.
Vào thời Lý Trần, cạnh nơi có cột đồng bị đống đá đè lên, triều đình đã cho dựng nhà công quán làm nơi nghỉ chân của sứ thần hai nước Việt - Trung. Nhân dân xây chùa cạnh nhà công quán, nơi cột đồng xưa, đặt tên là Diên Khánh tự. Ngôi cổ tự nằm cạnh Đoàn Thành phía bắc, nên dân gian vẫn quen gọi là chùa Thành.Đến thế kỷ 17, năm Đinh Sửu (1637), thám hoa Giang Văn Minh được vua Lê cử sang yết kiến hoàng đế nhà Minh. Thấy sứ thần Việt Nam tài chí phi phàm, vua Minh ra vế đối: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (ý nói cây cột đồng từ thời Mã Viện đến nay rêu đã phủ xanh, vua Minh huênh hoang sức mạnh của phương Bắc). Giang Văn Minh đối lại: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (ý nhắc nhở về sự thất trận nhiều lần của Bắc triều, bao lần nhuộm máu trên sông Bạch Đằng khi chúng sang xâm lược nước Nam). Vua Minh tái mặt, phục tài Giang Văn Minh.
Đến ngôi chùa có số lượng tượng đồng nguyên khối lớn nhất Việt Nam
Chùa Thành hiện nay tọa lạc ở chân cầu Kỳ Lừa (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn). Đây là ngôi chùa có số lượng tượng thờ bằng đồng nguyên khối lớn nhất Việt Nam. Chính giữa tam quan chùa là một quả chuông nặng trên 2 tấn thể hiện ý nghĩa cầu cho nước Việt Nam thịnh vượng và quốc thái dân an; mỗi sớm chiều chuông được thỉnh lên ngân vang khắp cả vùng.
Ngoài quả chuông 2 tấn treo ngoài mái tam quan, trong chùa hiện lưu giữ quả chuông cổ được đúc từ năm 1671 triều vua Lê Hiển Tông, nặng 600kg. Bên trong chùa cột gỗ lim to một người ôm cao 9m được đặt trên các chân tảng đá xanh.
Nền chùa lát gạch bát tràng, thời gian trôi qua nét cổ kính càng được tôn nên vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm. Cửa sổ ở đây cũng được thiết kế hết sức khoa học và đậm chất Á Đông khi cửa sổ ngoài tròn, trong vuông tượng trưng cho âm dương, trời đất. Cánh cửa cũng được làm như một bức tranh tứ bình, tứ quý mỗi khi đóng lại tạo cảm giác nhẹ nhàng và giữ được nét cổ kính nguyên sơ.
Tam quan chùa Thành.
Chùa được kiến trúc theo lối nội công ngoại quốc, gồm 38 gian lớn nhỏ, bước chân vào ta có cảm giác như đang lạc vào chốn Tây Phương cực lạc bởi hệ thống nội thất của chùa được trang trí và bố cục hết sức tinh vi, cổ kính.Toàn bộ câu đối phía ngoài bằng chữ Hán được gắn bằng sứ hết sức tỉ mỉ, công phu. Các cánh cửa chùa chạm trổ tinh xảo với những cảnh tứ linh, tứ quý, tùng hạc diên niên, tứ bình và những hoa sen, bánh xe pháp luân, bàn tay Phật...
Toàn bộ hệ thống tượng thờ của chùa được đúc bằng đồng vàng nguyên khối với 53 pho tượng lớn nhỏ, chùa Thành đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam" vào năm 2007.
Với 10.000 hoa đăng chào mừng Đại lễ Phật đản được thả xuống sông Kỳ Cùng ngày 18/5/2008, chùa Thành cũng trở thành ngôi chùa thả hoa đăng cầu an nhiều nhất Việt Nam.
Nơi đây cũng là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ hệ thống tượng Phật thờ theo Phật giáo Bắc Tông. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện uy nghiêm nhưng gần gũi, tạo cho ta cảm giác như đang được diện kiến chư phật, bồ tát, thánh tăng.
Hệ thống hoành phi, câu đối của chùa được chạm khắc tinh xảo và sơn son thếp vàng, nhiều bộ hoành phi có hàng trăm năm tuổi.
Không chỉ lễ hội chính của chùa mà ngay cả các dịp lễ hội khác ở Lạng Sơn như: Hội Bắc Lệ tháng chín, hội Đầu Pháo Tả Phủ, Kỳ Cùng... chùa Thành rất đông khách thập phương tới chùa chiêm bái, cầu phúc.
...Hoàng hôn chiều mùa hạ chầm chậm buông xuống bến sông Kỳ Cùng thơ mộng, trong tiếng chuông chùa ngân nga yên bình, cổ tự Diên Khánh uy nghiêm, mơ màng soi bóng bên dòng nước trong xanh như một nét chấm phá tô điểm cho bức tranh thủy mặc hữu tình, khiến lòng người tĩnh tại, dường như buông bỏ hết mọi muộn phiền.
Diệu Minh